Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 19/2023

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa công bố báo cáo “Vượt qua điểm bùng phát”. Báo cáo chỉ ra rằng, trẻ em Việt Nam phải hứng chịu các cú sốc về khí hậu, môi trường nhiều hơn so với trung bình trong khu vực và trên thế giới.

Trẻ em phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất về thảm họa khí hậu

Theo UNICEF, các cú sốc về khí hậu và môi trường mà trẻ em có thể gặp phải là lốc xoáy, nắng nóng, thiếu nước, ô nhiễm không khí... Trong đó, trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phải vật lộn với nhiều mối nguy hiểm hơn trước các cú sốc về khí hậu và môi trường chồng chéo. Đặc biệt, trẻ em Việt Nam phải hứng chịu các cú sốc nhiều hơn so với trung bình trong khu vực và trên thế giới.

UNICEF lưu ý, khi những cú sốc chồng chéo này kết hợp với các loại khủng hoảng khác như thiếu lương thực, suy dinh dưỡng, sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, thì việc đối phó và phục hồi càng trở nên khó khăn hơn. Trẻ em dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là là trẻ em nghèo, trẻ bị thiệt thòi và trẻ khuyết tật. Đặc biệt, những tác động này còn làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng, khiến những người nghèo càng thêm nghèo.

Trẻ em Việt phải chịu nhiều cú sốc chồng chéo về khí hậu hơn trẻ em ở các khu vực khác và toàn cầu

Do đó, các Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần cùng nhau hành động khẩn cấp để giải quyết các trở ngại chính trong quản lý rủi ro thiên tai. Trong đó, áp dụng các dịch vụ thông minh thích ứng với khí hậu để trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Bao gồm: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cung cấp nước sạch và vệ sinh, hệ thống cảnh báo sớm và bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu như hỗ trợ tiền mặt.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, UNICEF đang thúc đẩy cảnh báo sớm và hành động sớm - đưa thông tin đến các cộng đồng để giúp mọi người chuẩn bị và đảm bảo ứng phó thích hợp với các thách thức liên quan đến khí hậu. Ví dụ như, vào cuối năm nay và đầu năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với hiện tượng El Nino, rất có thể dẫn đến hạn hán. Theo đó, các gia đình được khuyến khích thu trữ nước mưa và có các biện pháp ứng phó. Việc hành động sớm sẽ giúp người dân không phải tốn thêm chi phí nước sạch so với điều kiện thông thường.

Kế hoạch thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, các thành viên Hội đồng thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định; thẩm định các nội dung của quy hoạch theo quy định Điều 32 Luật Quy hoạch, trong đó nghiên cứu, tham gia góp ý đối với các nội dung liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, đơn vị được cử đại diện và tham gia ý kiến đối với các vấn đề liên quan khác của quy hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của quy hoạch.

Ảnh minh họa

Các thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thẩm định và thủ trưởng cơ quan về nội dung công việc được Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến tham gia đối với quy hoạch; phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận.

Thành viên phản biện nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Hội đồng thẩm định toàn bộ nội dung quy hoạch; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.

Các thành viên Hội đồng tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng thẩm định khi được triệu tập; thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại mục 2 bản kế hoạch và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thẩm định giao.

Phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Mới đây, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội của các tỉnh phía Bắc.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ sở để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính, tiền đề phát triển thị trường carbon; thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam tham gia là thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ thông tin về: nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và các quy định pháp luật đã được ban hành; những quy định về thích ứng biến đổi khí hậu; các quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn; triển khai Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); lộ trình quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và các quy định pháp luật cụ thể; phát triển thị trường carbon tại Việt Nam...

Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan quản lý nhà, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp đã cùng thảo luận về thực tiễn triển khai các quy định pháp luật tại địa phương, cơ sở. Với những vấn đề còn vướng mắc, cán bộ Cục Biến đổi khí hậu đã giải đáp, hướng dẫn cụ thể để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi pháp luật.

Minh Khang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...