Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) dự chi hơn 126 tỷ đồng trả cổ tức 2021

Năm 2022, Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 21% và thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 118 tỷ đồng, cùng tăng trưởng hơn 5,6% so với kết quả năm trước.

CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (HOSE – Mã: TCL) hiện là một trong những doanh nghiệp đảm bảo mức chia cổ tức khá cao. Cụ thể, HĐQT TCL vừa thông qua ngày 30/8 tới sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 42%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.200 đồng.

Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) dự chi hơn 126 tỷ đồng trả cổ tức 2021

Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) dự chi hơn 126 tỷ đồng trả cổ tức 2021

Qua đó, với hơn 30 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, TCL sẽ phải chi khoảng 126,7 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 29/8, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 30/9/2022.

Như vậy, tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 đã vượt xa so với dự kiến đã thông qua trước đó là 22%, nhưng thấp hơn nhiều so với những năm trước như năm 2020 là 50% bằng tiền mặt và năm 2019 là 70% cũng bằng tiền mặt.

Mới đây, TCL đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 668 tỷ đồng, tăng 10,98% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 53,76% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt hơn 69,22 tỷ đồng, tăng trưởng 22,23% và hoàn thành 58,78% kế hoạch năm.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/8, cổ phiếu TCL tăng 3,31% lên mức 40.600 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu TCL thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá cổ phiếu TCL thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

TCL đạt mục tiêu lãi hơn trăm tỷ đồng năm 2022

Năm 2022, Ban lãnh đạo TCL dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dao động trong khoảng 5,8 - 6,7%, nhờ đó tạo cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu khả quan hơn. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng SNP được dự báo tăng trưởng 6% so với năm 2021.

TCL cho biết đã bổ sung thêm 2 băng chuyền đóng gạo tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch (TCNT), dự kiến tăng 150% sản lượng đóng rút tại khu vực này năm 2022. Tuy nhiên, Công ty lo ngại tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ khiến hoạt động xuất khẩu gạo dần chuyển sang xuất khẩu bằng tàu rời, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác depot và đóng rút tại bến 125 và ICD TCNT.

Bên cạnh đó, TCL cho biết cơ sở hạ tầng (CSHT) của Công ty chủ yếu là đi thuê nhưng lại sắp hết hạn như Hợp đồng thuê bãi IMDG (Depot 6 - Cảng CTL), hợp đồng thuê bãi TCMT, trong trường hợp không thể đàm phán tiếp tục thuê CSHT tại các khu vực này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TCL.

Trong bối cảnh trên, TCL đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 gần 1.242 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 118 tỷ đồng, đều tăng gần 6% so với kết quả của năm trước. Công ty dự kiến cổ tức sẽ ở mức 21%.

Ông Lê Văn Cường - Giám đốc TCL cho biết vào đầu quý 2, Ban lãnh đạo Công ty đã nhận định quý 3 sẽ là quý bùng nổ của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sau những biến động tiêu cực vừa qua, dự báo này khó xảy ra. Dù vậy, kế hoạch kinh doanh đề ra là hoàn toàn khả thi, do các dự án cũ đã phát huy hiệu quả và các hợp đồng mới trong năm 2022 cũng đã đạt được. Tính đến tháng 6, kế hoạch vẫn đạt đúng tiến độ.

Liên quan đến việc tăng giá dịch vụ, Giám đốc TCL khẳng định giá dịch vụ chắc chắn sẽ tăng, Công ty sẽ xem xét mức độ cạnh tranh trên thị trường và giá thành sản xuất để đưa ra mức giá hợp lý thu hút khách hàng.

Chia sẻ thêm về lý do thoái vốn tại ICD Tân Cảng Cái Mép, ông Cường cho biết TCL thoái vốn là do Công ty chỉ nắm 6% tại đây nên vai trò khá mờ nhạt. Mặt khác, Công ty cũng không nhận thấy tiềm năng ở dự án này.

Khánh Vân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...