Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tăng trưởng 43% trong tháng 6/2022
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 6 với tổng doanh thu 1.063 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tất cả các sản phẩm từ cá tra, sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe đều chứng kiến sự tăng trưởng hai chữ số, lần lượt là 27%, 46% và 98%. Riêng các sản phẩm của công ty con là Sa Giang là bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng và bún gạo sụt giảm, nhưng không đóng góp lớn vào tỷ trọng doanh thu.
Vĩnh Hoàn (VHC) doanh thu tăng trưởng 43% trong tháng 6/2022 |
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường chủ lực của Vĩnh Hoàn khi đóng góp 330 tỷ đồng trong tháng 6, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu và tăng trưởng 11% so với tháng 6/2021. Các thị trường khác như Trung Quốc, châu Âu hay thị trường nội địa đều cho thấy cải thiện doanh thu so với cùng kỳ.
Dù vậy so với tháng 5 trước đó, tổng doanh thu lại giảm 30% từ 1.509 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó doanh thu cá tra lại sụt giảm 41% về 608 tỷ đồng, bên cạnh các mức giảm của sản phẩm phụ, bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng cũng như bún gạo.
Thị trường Mỹ tháng vừa rồi cũng chứng kiến sự đi lùi trong doanh thu so với tháng 5, giảm 59%. Châu Âu và thị trường Việt Nam chỉ giảm nhẹ lần lượt 5% và 1%. Bù lại, Trung Quốc chứng kiến mức tăng 19% lên 159 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 7.496 tỷ đồng doanh thu, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản doanh thu tăng trưởng này đặt trong bối cảnh giá cá tra tăng mạnh cùng với nhu cầu tăng cao.
Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên gần cuối tháng 4, Tổng Giám đốc Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết hiện giá cá tra đã tăng và còn tiếp tục lên từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, chi phí nuôi (thức ăn cho cá, giá bao bì,...) cũng sẽ leo thang. Còn Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh đánh giá đây sẽ là năm rất vi diệu giúp toàn ngành đều có lời.
Quý I/2022, lãi ròng gấp hơn 4,2 lần so với cùng kỳ, dòng tiền âm kỷ lục
Quý I, Vĩnh Hoàn ghi nhận 3.268 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng, gấp 4,2 lần. Kết quả này đến từ việc sản lượng và giá bán cùng tăng, hầu hết các thị trường đều hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU.
Quý I/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 3.268 tỷ đồng - tăng 83% so với cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng. Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp cải thiện từ 15,3% lên 23,8% tương ứng lợi nhuận gộp 778 tỷ đồng - tăng 185% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ chi phí, Vĩnh Hoàn lãi ròng 553 tỷ đồng - gấp hơn 4,2 lần cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp cá tra đã thực hiện được 24,6% kế hoạch doanh thu năm và 34,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 36% so với thực hiện năm trước. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh cao nhất kể từ khi niêm yết của doanh nghiệp này.
Tại ĐHCĐ thường niên 2022, bà Trương Tuyết Hoa, Thành viên HĐQT Vĩnh Hoàn cho biết, nhu cầu các tháng đầu năm rất tốt, đơn hàng nhận về nhiều, tình hình tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị cũng rất tốt. Ngoài ra, giá cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong các tháng đầu năm.
Tính đến giữa tháng 4/2022, giá cá tra thịt trắng tại Đồng Tháp đạt mức 31.000 - 32.500 đồng/kg - tăng gần 37% so với đầu năm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cá xuống thấp và chỉ mới phục hồi từ cuối năm 2021, người nông dân bị lỗ nặng phải treo ao khiến nguồn cung thiếu hụt. Việc giá cá tra nguyên liệu tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp cá tra được hưởng lợi khi vẫn còn lượng hàng tồn kho giá thấp.
Mặc dù lợi nhuận tăng đột biến nhưng dòng tiền lại âm kỷ lục. Cụ thể trong quý I/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 680,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 139,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 261 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 885,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Xét theo năm, lần gần nhất dòng tiền kinh doanh của VHC âm là năm 2008 với giá trị âm 181,1 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý công ty ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng 17,7% so với đầu năm lên 10.283 tỷ đồng trong đó tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.788,7 tỷ đồng - chiếm 27,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.428,6 tỷ đồng - chiếm 23,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 2.061,2 tỷ đồng - chiếm 20% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.403 tỷ đồng - chiếm 13,6% tổng tài sản.
Trong kỳ, các khoản phải thu tăng 30,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 656,6 tỷ đồng lên 2.788,7 tỷ đồng; tồn kho tăng 35,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 635,5 tỷ đồng lên 2.428,6 tỷ đồng.
Như vậy, dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục trong kỳ chủ yếu do công ty gia tăng tồn kho và tăng khoản phải thu, chủ yếu tăng bán chịu cho khách hàng.
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2022, Công ty đang ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán hợp lý là 144,6 tỷ đồng và trích lập dự phòng giảm giá là 5,7 tỷ đồng trong đó doanh nghiệp đang đầu tư 48,97 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS; 41,86 tỷ đồng vào cổ phiếu NLG - đã trích lập 2,4 tỷ đồng; các cổ phiếu khác là 53,8 tỷ đồng - trích lập 3,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối quý, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vĩnh Hoàn tăng 46,8% so với đầu năm - tăng thêm 885,6 tỷ đồng lên 2.777 tỷ đồng và chiếm 27% tổng nguồn vốn.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7/2022 cổ phiếu VHC giảm 700 đồng về mức tại mức 97.600 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 654.300 đơn vị.
Đức Chiến