Trung tâm dữ liệu ma: Nỗi khổ của Amazon trong xu thế phát triển AI nhưng thiếu điện, nước, nhân lực, xây xong phải để đó
Chính Amazon đã thừa nhận trong một số trường hợp, họ hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu AI trước khi có đủ nguồn điện cung ứng cho cả tòa nhà. Hậu quả là những trung tâm này bị để không.
"Trên khắp các dự án ở Châu Mỹ, chúng tôi đang gặp nhiều vấn đề về nguồn điện, nước, giấy phép và nhân lực, qua đó tạo nên những thách thức trong dài hạn", tài liệu nội bộ của Amazon được BI xác nhận ghi rõ.
Trong khi xu thế AI bùng nổ cùng với chip bán dẫn và dịch vụ điện toán đám mây cũng như các trung tâm dữ liệu thì thế giới lại chỉ có một lượng điện, nước và lao động nhất định. Việc gia tăng những nguồn lực này cần thời gian khi phải xây thêm các công trình nhà máy điện hay đào tạo nhân lực.
Chuyên gia David Cahn của Sequoia Capital nhận định đây không chỉ là vấn đề của riêng Amazon mà còn là thách thức toàn ngành.
Trung tâm ma
Thuật ngữ trung tâm dữ liệu ma (Zombie) được một số nhân viên Amazon sử dụng khi nói chuyện với tờ BI về các dự án bị bỏ không do thiếu điện, nước, nhân lực vận hành và các cơ sở hạ tầng khác.
Những trung tâm này được mô tả là tạm dừng hoạt động vì không đủ điều kiện vận hành.
Chính người phát ngôn của Amazon đã thừa nhận trong một số trường hợp, hãng đã hoàn thành việc xây dựng trung tâm dữ liệu trước khi có đủ điện cho toàn bộ tòa nhà.
Chủ tịch Marc Wulfraat của công ty tư vấn MWPVL nhận định Amazon có thể triển khai hơn 240 trung tâm dữ liệu trong những năm tới nhờ thuê không gian trong các tòa nhà được chia sẻ với các công ty khác.
Theo ước tính, diện tích mặt bằng của những dự án này tương đương với khoảng 27 Tòa nhà Empire State.
Tuy nhiên chính Amazon cũng thừa nhận họ gặp khó khăn khi tìm cách vận hành những trung tâm dữ liệu này một hành hiệu quả nhất.
Báo cáo của Boston Consulting Group cho thấy mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2030, phần lớn là để cung cấp năng lượng cho AI.
Đồng quan điểm, hãng Bernstein Research ước tính nhu cầu điện cho các trung tâm dữ liệu AI có thể vượt quá nguồn cung chỉ trong hai năm nếu không có hành động.
Đương nhiên Amazon hiểu rõ vấn đề này.
Nguyên nhân này khiến Amazon đối mặt khả năng không đủ nguồn cung năng lượng ở một số thị trường và mất khả năng duy trì điện năng cho các dự án trong giai đoạn đầu xây dựng.
Chính điều này đã dẫn đến quyết định đầu tư vào điện hạt nhân.
Mới đây Amazon công bố kế hoạch dẫn đầu vòng gọi vốn 500 triệu USD để phát triển các lò phản ứng hạt nhân module nhỏ sau thông báo trước đó về việc mua điện từ một nhà máy điện hạt nhân ở vùng nông thôn Pennsylvania.
Tuy nhiên đây không phải vấn đề duy nhất khiến Amazon để không nhiều trung tâm của mình sau khi đã xây xong.
Chi phí cao, hành chính rườm rà
Trong một số trường hợp, Amazon phải trả giá cao hơn để đưa các trung tâm dữ liệu mới của mình vào hoạt động.
Một ví dụ là cơ sở của Amazon tại Santa Clara, California, nằm ở trung tâm Thung lũng Silicon. Trong hai năm qua, Amazon đã đàm phán với thành phố Santa Clara về việc đảm bảo nguồn điện cho một trung tâm dữ liệu mới gần Sân vận động Levi's.
Hiện Amazon và chính quyền thành phố đang thảo luận về đề xuất 20 megawatt trong 15 năm cho cơ sở này với điều kiện công ty phải trả toàn bộ chi phí năng lượng, bất kể công ty có sử dụng điện hay không.
Ngoài ra, Amazon sẽ phải trả mức giá cao hơn tới 50% so với mức giá thông thường và sẽ được hưởng thêm "bảo đảm tài chính" để trang trải mọi rủi ro hợp đồng.
Nguồn cung cấp nước là một vấn đề khác. Ngày càng có nhiều trung tâm dữ liệu dựa vào nước thay vì không khí để làm mát máy chủ và các thiết bị khác bên trong các cơ sở và điều đó đòi hỏi một lượng nước rất lớn.
Ngoài ra còn có các vấn đề về phân vùng và cấp phép.
Tờ BI cho hay một số khu vực địa phương không ủng hộ việc phân vùng lại bất động sản công nghiệp để sử dụng cho trung tâm dữ liệu, đồng thời phải có các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn. Điều này khiến Amazon đang phải làm việc với chính quyền địa phương để xin giấy cấp phép cũng như thuyết phục người dân đồng ý cho dự án được xây dựng.
Nỗi lo lắng các trung tâm dữ liệu sẽ lấy mất nguồn điện-nước không dư thừa và làm ô nhiễm môi trường âm thanh, nước và không khí khiến nhiều cư dân e ngại.
Một thách thức nữa mà Amazon gặp phải là nhân lực vận hành.
Nghề thợ điện và lao động kỹ thuật có tay nghề đang khan hiếm ở Mỹ do giới trẻ đổ dồn vào các ngành cổ cồn trắng, hành chính văn phòng, ngân hàng. Thậm chí trong mảng kỹ thuật, người lao động thích các nghề công nghệ được làm việc tự do hơn là những vị trí kỹ thuật phải tiếp xúc với máy móc.
Hậu quả là Amazon đang phải vật lộn để tìm đủ người vận hành các trung tâm dữ liệu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Thậm chí Amazon đã trao đổi với các trường cao đẳng địa phương, nhà thầu chung và công đoàn lao động tại một số thị trường về việc đào tạo thêm thợ điện.
Khảo sát của Viện Uptime cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thợ điện lành nghề.
Rõ ràng, việc xây dựng thêm các cơ sở điện nước hay đào tạo thêm nhân lực sẽ tốn nhiều thời gian và các trung tâm dữ liệu ma của Amazon có lẽ sẽ còn phải chờ trong một thời gian nữa.
*Nguồn: BI