Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam "điểm danh" toàn Tập đoàn lớn: Từ Vingroup, FPT tới Viettel, Vietcombank, Thaco...
Năm 2023 là năm đầu tiên danh sách Top 50 VIE50 và Top 10 VIE10 2023 trong các ngành: Chế biến chế tạo; công nghệ thông tin – viễn thông; dược – thiết bị y tế...
Năm 2023 là năm đầu tiên Danh sách Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 (VIE50) và Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 trong các ngành Chế biến chế tạo; Công nghệ thông tin – Viễn thông; Dược – Thiết bị y tế; Logistics; Ngân hàng; Bảo hiểm; Bán lẻ; Nông nghiệp công nghệ cao; Thực phẩm Đồ uống, Xây dựng – Bất động sản được Báo Đầu tư công bố dựa trên kết quả nghiên cứu của Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research).
Các doanh nghiệp được vinh danh là những đơn vị đã ứng dụng những sáng tạo, đổi mới và cách tân trong hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo lập vị thế trên thị trường và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của toàn đất nước.
Khi nền kinh tế phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp muốn chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì buộc phải đổi mới, sáng tạo để tồn tại và cạnh tranh thành công. Đổi mới sáng tạo hiệu quả và thành công tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng giá trị và thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp; dần định hình Mã gen DNA, văn hóa về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới, thúc đẩy tăng trưởng, mà quan trọng là cho thấy vị thế của người dẫn dắt và thay đổi cuộc chơi trên thị trường.
Trụ cột cho đổi mới sáng tạo
Trong bài tham luận của mình tại sự kiện, PGS, TS Vũ Minh Khương định nghĩa đổi mới sáng tạo là đổi mới cách làm hiện tại, đưa ra các sáng kiến về sản phẩm - dịch vụ - công nghệ - giả pháp - mô hình để kiến tạo giá trị mới.
Theo vụ chuyên gia, có ba giá trị mà doanh nghiệp cần thấy rõ khi thực hành đổi mới sáng tạo. Thứ nhất là hiệu quả đem lại cho doanh nghiệp, được thể hiện ở doanh thu, lợi nhuận,...
Thứ hai, hiệu lực, tức giải pháp đổi mới sáng tạo giúp khách hàng, xã hội tin tưởng, yêu quý doanh nghiệp hơn.
Thứ ba là hiệu năng thích ứng với đổi thay và biến động. PGS, TS Vũ Minh Khương cho rằng ở Việt Nam, hiện các doanh nghiệp chủ yếu nhìn vào yếu tố hiệu quả mà chưa nhìn thấy hiệu lực và hiệu năng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần hiểu rõ ba trụ cột của đổi mới sáng tạo, bao gồm hiệu quả, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và điều kiện khuyến khích, hỗ trợ nguồn lực.
Về phía Chính phủ, cần kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo từ hỗ trợ về tài chính công nghệ, quy chế, thể chế, định chế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện thuận lợi về tuyển dụng nhân tài. Ngoài ra, cần một môi trường bình đẳng, cạnh tranh. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp chân chính được hưởng lợi, tưởng thưởng những người xứng đáng, sáng tạo. Đồng thời, cần có tính yểm trợ của xã hội và Chính phủ để các doanh nghiệp tiến lên.