SMEs Việt Nam được gì đằng sau những phiên livestream có doanh thu trăm triệu, trăm tỷ đồng của các KOC/KOL?
Thực tế, khi hợp tác với các KOL/KOC, mục tiêu của SMEs Việt không chỉ kiếm tiền mà còn làm thương hiệu, để bán hàng tốt hơn trên các kênh TMĐT khác. Theo thống kê của CPA, 77% doanh nghiệp nhỏ thu về hơn 10% doanh thu thông qua các sàn TMĐT trong năm 2023. Với DN đầu tư vào TMĐT trong nhiều năm, thì tỷ lệ nói trên tầm 20% - 30%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Quý I/2024, kinh tế Việt Nam thể hiện đà tăng trưởng và khả năng phục hồi tích cực. Tuy nhiên theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam thì: "Kết quả Quý I có thể chưa phản ánh được nhiều về triển vọng tăng trưởng cả năm vì tăng trưởng quý I là 5,66% và mức tăng này trên nền cơ sở thấp của quý I/2023".
Ông Abel Lim - Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB cho rằng: Các yếu tố chính củng cố cho triển vọng tích cực của Việt Nam trong năm nay là nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ, với xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại.
Sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và châu Á và khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới cũng sẽ là những điều tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, phản ánh niềm tin bền vững của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thậm chí còn hơn thế nữa do chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu hình khi phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cuối cùng, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật số có thể sẽ góp phần vào tăng trưởng và khả năng cạnh tranh lâu dài của Việt Nam. Những điều trên tái khẳng định dự báo tăng trưởng năm 2024 của UOB cho Việt Nam là 6%.
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2024, các chuyên gia của UOB cho rằng vẫn còn khá nhiều thách thức bên cạnh các yếu tố thuận lợi.
Còn theo khảo sát thường niên của CPA Australia, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đều bày tỏ sự tự tin về nền kinh tế quốc nội trong năm 2024. Trong đó, 86% doanh nghiệp dự báo sẽ bứt tốc nhờ vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế - kết quả này cũng cải thiện so với 2 năm trước.
Báo cáo cũng cho thấy: 77% doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ đã ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023. Con số này cao hơn rất nhiều so với giá trị trung bình của dữ liệu khảo sát (60%), cũng như vượt trội và chỉ thấp hơn 2 trong tổng số 11 thị trường trong Khảo sát Các doanh nghiệp nhỏ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Livestream - Động lực lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu nội địa
Sau vài năm được các nền tảng như TikTok/Facebook hay Shopee/Lazada liên tục đầu tư – cả phần PR lẫn hạ tầng, nên bán hàng qua livestream đang trở thành một phần không thể thiếu với các doanh nghiệp SMEs của Việt Nam. Ngay cả một thương hiệu tưởng như không liên quan là chuỗi cà phê Highlands còn livestream tranh thủ bán cà phê pha sẵn và túi xách/bình giữ nhiệt/ly nhựa trước khi công bố người bốc thăm thắng giải du lịch.
Còn theo thống kê từ AccessTrade Việt Nam: 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
"Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử cũng như các kênh bán hàng online là điều không thể phủ nhận. Bắt kịp xu hướng, Di Động Việt đã bắt đầu chuyển mình và bán hàng qua các kênh online từ khoảng 2 - 3 năm trước và đã nhận được những thành quả rõ rệt.
Tại sự kiện TikTok Shop Vietnam Submit 2023, Di Động Việt đã được vinh danh là 'Nhà bán lẻ của năm' vị trí top 1 ngành hàng điện tử và top 6 'Nhà bán lẻ tiêu biểu'. Sau 2 năm phát triển kênh bán hàng trên các sàn, hiện tại, Di Động Việt duy trì khoảng gần 1.000 phiên livestream mỗi tuần", bà Kim Vân - Giám đốc Marketing Di Động Việt cho hay.
Mới đây, Di Động Việt đã hợp tác với KOC nổi tiếng là Hằng Du Mục để bán iPhone 15 promax. 150 chiếc iPhone 15 promax đã được tẩu tán chỉ trong 10 phút ở phiên live này. Trong phiên livestream trên TikTok này, ngoài iPhone từ Di Động Việt, thì Hằng Du Mục còn bán thêm vài chục sản phẩm khác từ nội y cho phụ nữ, bò khô – Quang Linh Vlog, máy triệt lông, lương khô – Lê Anh Nuôi, mận hậu Mộc Châu – FoodMap…
"Đây không phải lần đầu tiên Di Động Việt có những phiên livestream kết hợp với người nổi tiếng có sức lan tỏa trên mạng xã hội. Trước đó, Di Động Việt từng có những phiên livestream 24 giờ cùng các Hoa hậu, nghệ sĩ, KOLs, KOC… và đã mang về kết quả vượt ngoài mong đợi kể cả về số bán lẫn độ tương tác, quan tâm của khách hàng.
Trong mỗi chương trình lớn có sự kết hợp xuất hiện của các KOLs trong các phiên live, doanh số ghi nhận tăng gấp 3 - 5 lần so với các phiên live thông thường mà hệ thống vẫn duy trì mỗi ngày.
Cụ thể hơn: khi kết hợp bán hàng công nghệ với các bạn KOC chỉ chuyên về công nghệ thì hiệu quả số bán sẽ không có sự chênh lệch quá rõ rệt so với các phiên live thông thường của hệ thống. Còn đối với KOC (ví dụ như Hằng Du Mục) đã có sẵn độ nổi tiếng thì số bán sẽ có sự chuyển biến lớn, tăng trưởng nhanh bởi không chỉ vì KOC đã có nhiều người theo dõi mà bởi những chương trình này còn có sự đầu tư rất lớn từ phía KOC, nhãn hàng và cả sàn nữa", bà Kim Vân tiết lộ.
Do đặc thù ngành nghề, các DN chuyên về phân phối ngành hàng công nghệ là những người tham gia thị trường này sớm hơn so với các ngành nghề khác. Cả FPT Shop và Thế Giới Di Động đều tham gia vào ngành TMĐT hay livestream bán hàng khi nó còn sơ khai.
"Trong năm 2023, FPT Shop đã có nhiều thử nghiệm. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh kênh online và có phiên livestream bán iPhone - các sản phẩm Apple khác của chúng tôi trên TikTok. Phiên livestream này đã thu về 1 triệu USD – kỷ lục mới trên TikTok Shop Việt Nam", ông Hoàng Trung Kiên – Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết.
Ngày nay, các phiên livestream lớn của các nhãn hàng hay các KOL/KOC như vợ chồng KOC kênh Quyền Leo Daily, Phạm Thoại, Hà Linh, Hằng Du Mục… đạt cột mốc vài trăm triệu đồng hoặc vài chục hay 100 tỷ đồng không còn hiếm nữa.
Các SMEs sẽ được hưởng lợi gì từ các phiên livestream mang về doanh thu khủng?
Nguyên do khiến các phiên livestream kể trên có thể có doanh thu khủng là nhờ lượng hàng bán ra thuộc nhiều chủng loại, giá cả đủ 'thượng vàng hạ cám' từ vài chục triệu đến vài trăm ngàn.
Thêm nữa, cả nền tảng lẫn DN đều có phần hỗ trợ nhất định đến tiền vận chuyển và giá sản phẩm, khiến người tiêu dùng được mua với giá rẻ hơn nếu đến cửa hàng hoặc trên các sàn TMĐT/mạng xã hội như thông thường. Đó là chưa kể đến sự hỗ trợ từ nhân lực đến vật lực của các sàn giúp các phiên livestream này vận hành trơn tru - hiệu quả.
"Do đặc thù mô hình giải trí kết hợp mua sắm và phụ thuộc nhiều vào các KOC – tức nhiều người mua hàng trên TikTok quyết định mua vì hứng thú nhất thời hoặc KOC nói chuyện có duyên, chứ không phải mua vì nhu cầu tiêu dùng hoặc chất lượng sản phẩm. Hệ lụy là tỷ lệ hủy đơn trên TikTok Shop cao hơn các sàn TMĐT truyền thống.
Vậy nên, thường DN lên TikTok Shop không chỉ để bán hàng mà còn làm thương hiệu và tiếp xúc trực tiếp với tệp khách hàng trẻ trung như Gen Z. Nên biết đâu, đơn hàng ở trên các kênh TMĐT hoặc website đến từ TikTok hoặc thậm chí là Facebook. Việc tracking đơn hàng đến từ kênh quảng bá sản phẩm nào vẫn không phải là điều dễ dàng.
Theo đó, chúng ta cần nhìn vào các con số như chi phí đầu tư marketing – bán hàng trên tất cả các kênh, doanh thu và lợi nhuận để xem chúng có tăng trưởng tỷ lệ thuận với nhau hay không thì sẽ biết khoản đầu tư của mình có hiệu quả hay không", anh Trần Lâm - tác giả sách Cất Cánh Trên Sàn TMĐT nêu kinh nghiệm.
Trần Lâm (sinh 1983) – Nhà sáng lập 5 thương hiệu thực phẩm và hóa mỹ phẩm JulyHouse, Macaland, Loli & The Wolf, Heviefood và BuB&MuM. 5 thương hiệu nói trên chủ yếu phân phối online - hiện có 150 mã hàng hoá trên các sàn TMĐT. Trong năm 2023, các thương hiệu của anh Trần Lâm thu về hơn 80 tỷ đồng.
Trên thực tế, khi hợp tác với các KOL/KOC, mục tiêu của SMEs Việt không chỉ kiếm tiền mà còn làm hình ảnh. Hay nói cách khác, lợi nhuận mà các SMEs thu lại khi tham gia các phiên livestream tiền tỷ không bao nhiêu nếu so với những gì họ đã bỏ ra; tuy nhiên họ vẫn tham gia để làm thương hiệu, kích cầu bán hàng ở các kênh khác.
Hiện kênh bán hàng online đang đóng góp 25% doanh thu trên tổng tất cả các kênh bán hàng của Di Động Việt. Năm 2023, doanh thu trên các kênh bán hàng online đang chiếm 30% doanh số FPT Shop. Cũng trong năm 2023, doanh thu online của 3 chuỗi Thế Giới Di Động, TopZone, Điện Máy Xanh của MWG đạt 16.000 tỷ đồng – giảm 11% so với 2022 và chiếm 19% tỷ trọng doanh thu.
Ngược lại, tỷ trọng đóng góp của các kênh bán hàng online vẫn còn hạn chế với các SMEs hoặc những DN chỉ mới tham gia vào xu hướng này. Theo báo cáo của CPA Australia: 77% doanh nghiệp nhỏ thu về hơn 10% doanh thu thông qua TMĐT trong năm 2023 - số liệu cao nhất được ghi nhận tại Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cũng có sự cải thiện rõ rệt - chỉ 6% doanh nghiệp không sử dụng mạng xã hội cho mục đích thương mại (tỷ lệ này năm 2022 là 26%).
Trong tương lai, bên cạnh sự hợp tác qua các kênh KOLs như livestream bán trên các kênh của KOLs, clip reviews sản phẩm, bán hàng trên TikTok Shop…; Di Động Việt và nhiều SME khác cũng sẽ mở rộng thêm kênh phân phối với hình thức tiếp thị liên kết đa nền tảng (hệ thống affiliate), để có thể đến gần hơn với tất cả khách hàng trên tất cả các kênh của KOLs, KOC.