Người có công với Amazon hơn cả Jeff Bezos: Giúp công ty từ vực sâu thua lỗ hồi sinh bất ngờ chỉ sau 3 năm, lần đầu tiên đạt vốn hoá 2.000 tỷ USD
Vị CEO mới dìu dắt Amazon theo một cách rất đặc biệt, trái ngược hoàn toàn Jeff Bezos.
Vào tháng 11/2022, khoảng 10 nhà đầu tư hàng đầu Amazon đã họp bàn tại một phòng hội nghị lớn ở Seattle. Họ đến đây gặp Andy Jassy - vị CEO thay thế Jeff Bezos, vào đúng thời điểm Amazon vừa bị đeo mác công ty đầu tiên mất 1 nghìn tỷ USD vốn hóa và đang trên đà lỗ 2,7 tỷ USD/năm.
Trong giờ tiếp theo, bên ly cà phê và salad trái cây, các nhà đầu tư liên tục đặt câu hỏi. Ông Jassy đáp lại bằng những kế hoạch dài hạn, giúp doanh nghiệp bán lẻ và điện toán đám mây của Amazon hoạt động hiệu quả hơn. Mọi câu trả lời đều dựa trên thực tế, không hề tô vẽ để làm hài lòng người nghe.
Kể từ đó, tăng trưởng phục hồi, trong khi lợi nhuận gần đây đạt kỷ lục mới. Việc cổ phiếu Amazon tăng gấp đôi đã đẩy vốn hóa thị trường tập đoàn lên trên 2 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.
“Tôi muốn có Jassy hơn là Bezos”, một cổ đông nói.
Andy Jassy đã tạo được dấu ấn cá nhân rõ rệt cho Amazon sau khi mạnh tay cắt giảm đầu tư - sự thay đổi lớn so với phong cách quản lý tăng trưởng bằng mọi giá của Bezos. Ông cũng đang thích nghi với những thay đổi tất yếu, trưởng thành hơn trong khi khôi phục văn hóa tiết kiệm ban đầu của Amazon.
Việc tiếp quản một tập đoàn lớn là rất khó, nhất là khi nó đã lớn mạnh dưới thời người sáng lập có sức lôi cuốn như Bezos. Kể từ khi thành lập Amazon với tư cách nhà bán sách trực tuyến nhỏ vào năm 1994, Bezos đã trở thành gương mặt đại diện và vô cùng giàu có.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Amazon tiến hành đợt tuyển dụng chưa từng có để đáp ứng nhu cầu những người tiêu dùng bị mắc kẹt trong nhà, song kế hoạch nhanh chóng đổ bể khi xu hướng mua sắm truyền thống quay trở lại. Ngày Jassy nhận chức CEO cũng là lúc ‘cơn sốt’ trên sụp đổ.
“Jassy đã phải dọn dẹp rất nhiều”, Mark Shmulik, một nhà phân tích internet hàng đầu tại Bernstein cho biết.
Sự thay đổi đi kèm với một dấu ấn đặc trưng của chính ông Jassy: Mối quan hệ với Phố Wall.
Vào năm 2023, Jassy bắt đầu xuất hiện trong các cuộc họp của Amazon để trả lời câu hỏi trực tiếp từ giới phân tích - thứ mà Bezos đã từ bỏ nhiều năm trước. Động thái diễn ra sau khi một số nhà đầu tư phàn nàn về sự vắng mặt của Jassy trong các cuộc họp, khi cổ phiếu của Amazon lao dốc vào cuối năm 2022.
Khi ‘cơn sốt’ đại dịch chuyển sang suy thoái, Jassy ưu tiên tiết kiệm. Ông thúc đẩy công ty chú ý hơn đến các chi phí không cần thiết, thậm chí tiết kiệm từng xu, theo một số người đã nói chuyện với BI. Trong một cuộc họp toàn thể vào đầu năm 2023, ông còn thúc giục nhân viên suy nghĩ như những chủ doanh nghiệp thực sự đang bị đe dọa tài chính.
Trong cuộc trò chuyện nội bộ vào tháng 8 năm 2023, tân CEO cho biết một số sản phẩm đầu tiên của AWS sẽ được xây dựng bởi các nhóm nhỏ dưới 20 người. Jassy nói Amazon cần phải loại bỏ những đội ngũ cồng kềnh, đồng thời đưa ra lời cảnh báo đáng ngại cho các nhà quản lý.
“Vài năm trở lại đây, mọi người tin rằng cách tốt nhất để được thăng chức là có một đội ngũ lớn. Đó không phải là cách tôi nghĩ về điều đó. Giờ chúng tôi có đủ đội ngũ lớn rồi. Chúng tôi cần sáng tạo và tiết kiệm cùng một lúc”, Jassy nói và loại bỏ các dự án dài hạn, đồng thời cắt giảm khoảng 27.000 việc làm.
Thông điệp xung quanh Prime Video, một trong những lĩnh vực đầu tư lớn nhất của Amazon, cũng đã thay đổi. Bezos muốn những bộ phim bom tấn kinh phí lớn để cạnh tranh với Game of Thrones, trong khi Jassy lại kỳ vọng Prime Video tự mình trở thành một doanh nghiệp có lợi nhuận.
Những bước đi mới đã tạo ra kết quả tài chính mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào Bezos đương nhiệm. Trong giai đoạn mới nhất, Amazon ghi nhận đà tăng trưởng trở lại trong khi thu nhập tăng gấp 3 so với một năm trước đây.
Trước đó, phong cách quản lý của Jassy đã thu hút cả sự ủng hộ lẫn chỉ trích. Trong 3 năm đầu tiên làm CEO, ông mất rất nhiều nhân viên cấp cao, trong đó có giám đốc báo chí và chính sách Jay Carney và giám đốc điều hành AWS Adam Selipsky.
Bài kiểm tra lớn tiếp theo là phản ứng của Amazon trước sự trỗi dậy đột ngột của AI tạo sinh. Nhà phân tích Mark Mahaney của Evercore cho biết việc AWS chậm chân trong bữa tiệc AI thế hệ mới có khả năng sẽ không được giải quyết trong 1-2 năm nữa.
Về mặt nội bộ, đây là tình huống tất cả mọi người cùng vào cuộc. Mỗi nhóm đều phụ trách một số loại dự án AI. Jassy trực tiếp tham gia vào các dự án đó, song cách tiếp cận đầu tư có phần cân nhắc hơn.
Rủi ro lớn nhất đối với Amazon lúc này chỉ đến từ tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt. Microsoft được cho là đã đi đầu trong việc tích hợp AI tạo sinh vào các dịch vụ doanh nghiệp đa dạng nhờ vào quan hệ đối tác với Open AI, trong khi Alphabet, nhà quảng cáo lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu của YouTube, một lần nữa cố gắng tạo ra nhiều đột phá trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Walmart, công ty thống trị thị trường tạp hóa trị giá 2 nghìn tỷ USD của Mỹ cũng đang chuyển sang quảng cáo và ra mắt dịch vụ đăng ký giống như Prime. Nếu muốn tránh khủng hoảng ‘tuổi trung niên’, Amazon sẽ phải chứng minh rằng mình xứng đáng.
Theo lời một cựu giám đốc điều hành, các đơn vị kinh doanh của Amazon khá độc lập với nhau. Jeff Bezos muốn tách mảng kinh doanh quảng cáo khỏi thương mại điện tử để bộ phận bán lẻ không phụ thuộc vào biên lợi nhuận béo bở của bộ phận quảng cáo. Lúc đầu, AWS cũng được vận hành tách biệt với phần còn lại của Amazon vì công ty không muốn tạo ấn tượng rằng họ đang bán năng lượng điện toán dự phòng trong giờ nghỉ giải lao của nhân viên Amazon. Gần đây, một số nhà đầu tư thậm chí còn kêu gọi tách hẳn mảng kinh doanh đám mây, với niềm tin rằng điều này sẽ tạo ra giá trị cho cổ đông.
Tuy nhiên, thập kỷ thứ tư của Amazon có vẻ như sẽ ủng hộ sự hội nhập. Công ty đã phát triển đến quy mô mà bất kỳ khoản đầu tư mới nào cũng rất tốn kém và vì vậy, CEO Andy Jassy dường như muốn tạo ra giá trị bằng cách gắn kết chặt chẽ hơn các doanh nghiệp hiện có. Jeff Bezos, người vẫn nắm giữ 9% cổ phần trong công ty và có tiếng nói lớn về chiến lược, có vẻ đã ưng thuận.
Theo: Business Insider, The Economist