Mộc Châu Milk (MCM) dự kiến trả cổ tức đợt 2 năm 2021 với tỷ lệ 15%
CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk, mã: MCM - UPCoM) thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2021.
Ảnh minh họa. |
CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk - UPCoM:MCM) công bố ngày 20/5tới đây là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 2 năm 2021 bằng tiền mặt. Tỷ lê thực hiện là 15%, tương đương một cổ phiếu được nhận 1.500 đồng. Với 110 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp sữa sẽ chi 165 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán 23/6.
Trong năm 2021 công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương đương 1.000 đồng/cp.
Cơ cấu cổ đông lớn tính đến cuối năm 2021 bao gồm Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam (Vilico - UPCoM:VLC) nắm giữ 32,52% vốn, tiếp đến là GTNFoods (HoSE:GTN) có 26,78% và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk- HoSE:VNM) sở hữu 8,85%. Hiện GTNfoods đã hoàn tất sáp vào Vilico.
Kết thúc quý I, Mộc Châu Milk thu về gần 675 tỷ đồng doanh thu và 85,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8,6% và 73% so với cùng kỳ. Năm nay đơn vị đặt kế hoạch đạt 3.122 tỷ đồng doanh thu và 343,5 tỷ đồng lợi nhuân sau thuế. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh thu đạt 21,6% còn lợi nhuận hoàn thành 24,9% mục tiêu cả năm.
Theo lãnh đạo Mộc Châu Milk, doanh thu tăng trưởng theo đúng kế hoạch đề ra nhưng lợi nhuận sau thuế đột biến nhờ công ty được hưởng giá bao bì như giá của công ty mẹ Vinamilk từ tháng 5/2021, đơn giá giảm 14% so với trước đó. Sang đến quý II, lợi nhuận Mộc Châu Milk sẽ không còn tăng mạnh do đơn giá bao bì trở về mức bình thường khi so sánh cùng kỳ năm trước.
Diễn biến cổ phiếu MCM thời gian gân đây (nguồn: tradingview). |
Doanh nghiệp sữa với những thách thức về giá nguyên liệu đầu vào
Kết thúc quý I, các doanh nghiệp sữa niêm yết đều báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Song giới phân tích nhận định, các doanh nghiệp này còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn trong đà tăng.
Thực tế, đa phần doanh nghiệp sữa đều đặt kế hoạch lợi nhuận “đi lùi” trong năm 2022. Đơn cử, Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2021.
Năm 2022, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) cũng đặt mục tiêu khiêm tốn với doanh thu tăng 14%, lên 5.500 tỷ đồng, song chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 45%, về 452 tỷ đồng.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, doanh nghiệp sữa Việt Nam sẽ ghi nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vào năm 2022 do chi phí tăng.
Theo đó, với tỷ suất lợi nhuận gộp, lạm phát chi phí đẩy khiến xu hướng tăng giá của sữa nguyên liệu sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Điều này gây sức ép lên tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa Việt Nam về cuối năm khi sữa nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguyên liệu sản xuất của các nhà sản xuất sữa với trên 60% và thời gian dự trữ dưới 1 năm.
Dữ liệu của VDSC ghi nhận tại thời điểm 15/3/2022, giá sữa bột nguyên kem giao dịch ở mức 4.596 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 2,1% so với tháng trước, tương đương gần mức đỉnh 10 năm qua.
Căng thẳng giữa Nga - Ukraine cũng đang làm tăng giá năng lượng cũng như nhu cầu dự trữ lương thực của châu Âu, khiến giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi bò toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu và Australia đang nuôi nhiều bò lấy thịt thay vì lấy sữa cũng dẫn đến số lượng đàn bò sữa ngày càng giảm.
Đặc biệt, thông báo của Chính phủ Trung Quốc về lợi ích sức khỏe của việc tiêu thụ các sản phẩm sữa chống lại tác hại của đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ tăng trưởng tiêu thụ sữa không ngừng ở Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này có thể tạo ra làn sóng tăng giá sữa nguyên liệu trên toàn cầu.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI phân tích thêm, như Vinamilk đã chốt hợp đồng sữa nguyên vật liệu đến quý II/2022. Tại thời điểm hiện tại, giá sữa bột nguyên kem và tách kem vẫn ở mức cao, tạo áp lực lên biên lợi nhuận của Vinamilk trong các quý tới. Cùng đó, giá thức ăn chăn nuôi, giá đường và giá dầu cũng tăng sẽ làm tăng thêm áp lực cho biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Về giá đường, đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến chi phí đầu vào tăng vọt, kéo tỷ suất lợi nhuận gộp của các nhà sản xuất sữa giảm thời gian qua. Năm 2022, nguồn cung đường toàn cầu dự kiến sẽ giảm do điều kiện mùa khô nóng. Cùng với các chính sách thuế hạn chế đường nhập khẩu, giá đường Việt Nam ngày càng đắt đỏ. VDSC dự kiến, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với tác động kép do giá đường thô và sữa nguyên liệu tăng.
VDSC cũng cho rằng, đối với tỷ suất lợi nhuận ròng, rủi ro của cả sản lượng dầu giảm và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến chi phí logistics vẫn duy trì ở mức cao. Đối với các công ty sữa phân phối sản phẩm thông qua cả kênh trong nước và nước ngoài như Vinamilk hoặc IDP, sẽ phải chịu áp lực nặng hơn từ việc tăng chi phí logistics. Nguyên nhân là do các công ty này phải chi trả các khoản phí khác liên quan đến việc vận chuyển ra nước ngoài như chi phí container hoặc biến động tỷ giá hối đoái.
Lý giải về việc các doanh nghiệp sữa đều lãi trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022, giới phân tích cho rằng, kết quả này tích cực này nhờ trước đó các doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận năm 2022 thấp hơn kế hoạch của năm 2021, thậm chí thấp hơn mức thực hiện trong năm 2020.
Dù vậy, báo cáo thị trường của Kantar Worldpanel chỉ ra rằng, sản phẩm sữa là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời kỳ bùng phát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo Kantar Worldpanel, vẫn còn nhiều dư địa cho ngành sữa Việt Nam phát triển trong tương lai...
Mạnh Dũng