Lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải việc cắt gần 40% công suất nhà máy điện mặt trời của Trungnam Group
Bộ Công Thương cho rằng Trungnam Group có thiếu sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và yêu cầu phối hợp với EVN giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký. Trungnam Group vẫn chờ cơ chế giá chính thức và không yêu cầu EVN phải thanh toán hay xác định rõ mức giá cho phần 172 MW ở thời điểm hiện tại.
Ngày 31/8 vừa qua, Công ty Mua bán điện lực, thuộc Tập đoàn EVN đã có văn bản thông báo dừng khai thác với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của Nhà máy nhiệt điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam với công suất 450 MW. Theo đó, EVN ngừng khai thác với phần công suất 172 MW, tương đương 38% tổng công suất từ 0h ngày 1/9 do chưa có cơ chế về giá điện.
Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 1/10, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích dự án có tổng công suất 450 MW, trong đó có 278 MW đã được EVN nghiệm thu và ký hợp đồng thống nhất giá mua điện. Còn lại 172 MW, theo hợp đồng, EVN vẫn ký và đã mua nhưng chưa có giá. Chính vì vậy, từ 1/9, EVN thông báo sẽ không mua 172 MW này nữa, phần còn vẫn mua bình thường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng Trungnam Group cũng có thiếu sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật. Bộ đã tổ chức cuộc họp gồm có EVN, Trungnam Group và có thông báo ngày 11/3 nói rất rõ việc huy động nhà máy điện, mua bán điện giữa 2 doanh nghiệp dựa trên hợp đồng mua bán đã ký, khả năng truyền tải công suất của lưới điện và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng thời điểm để đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng chờ đợi và yêu cầu EVN là việc khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa 2 bên và quy định của pháp luật khác liên quan. Đối với Trungnam, Bộ yêu cầu phải hợp tác với EVN để được xem xét giải quyết trên cơ sở hợp đồng 2 bên đã ký, khẩn trương phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để hoàn thành hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sau đó có văn bản nghiệm thu của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và các quy định khác.
Ông Hải khẳng định, Bộ Công Thương trong chức năng thẩm quyền của mình sẽ tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, EVN, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện theo thẩm quyền và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Trước yêu cầu đám phán giá với chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo, EVN cũng đã có phản hồi với Bộ Công Thương rằng phương án không khả thi. Nguyên nhân là do thời gian sẽ kéo dài và các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, đã thực hiện với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn. Đồng thời, EVN cho rằng việc xác định sản lượng điện bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để xác định giá điện sẽ phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào xác nhận, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này. Bên cạnh đó, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo và sản lượng điện bình quân trên sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình và nằm ngoài kiểm soát của EVN...
Theo EVN, các nước đều chuyển sang cơ chế đấu thầu sau khi kết thúc giai đoạn giá FIT (giá mua bán điện cố định). Do vậy, EVN kiến nghị trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay và không vượt quá khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt (việc chào giá và công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện).
Nhà máy nhiệt điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam do Trungnam Group là chủ đầu tư với tổng vốn 12.000 tỷ đồng, sản lượng dự kiến 1,2 tỷ kWh. Dự án được khởi công và khánh thành ngay trong năm 2020, đây được xem là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, dự án còn kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 KV Thuận Nam và các đường dây 500 KV, 220 KV, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Đây là dự án trạm biến áp, đường dây truyền tải đầu tiên do tư nhân đầu tư, xây dựng bởi trước đây hạ tầng truyền tải điện thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước.
Trao đổi với Người Đồng Hành, đại diện Trungnam Group cho biết, EVN có yêu cầu doanh nghiệp tham gia thị trường điện cạnh tranh. Tuy nhiên, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam là dự án có điều kiện, việc EVN đánh đồng với các nhà máy khác là không hợp lý. Doanh nghiệp mong muốn EVN vẫn huy động điện với phần công suất chưa có giá 172 MW như đã làm 2 năm qua, do nếu EVN không huy động thì phần sản lượng đó phải bỏ đi gây ra sự lãng phí. Liên quan đến giá, đơn vị vẫn chờ cơ chế giá chính thức và không yêu cầu EVN phải thanh toán hay xác định rõ mức giá ở thời điểm hiện tại.