Khoáng sản Bình Dương (KSB) kinh doanh ảm đạm, cổ phiếu mất giá 34% từ đỉnh, cổ đông lớn thoái vốn
Kết quả kinh doanh của Khoáng sản Bình Dương (Mã: KSB) ngày càng ảm đạm, cổ phiếu mất giá 34% so với đỉnh hồi tháng 3. Cổ đông lớn công ty vừa đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu.
Qua 9 tháng mới hoàn thành 41% mục tiêu cả năm
CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) từng là đơn vị có tiếng trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.
Doanh thu Quý 3/2024 chỉ đạt 89,5 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, chiếm 79%. Mảng cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng ghi nhận một lần từng mang về 49 tỷ đồng trong năm trước nhưng nay giảm về 0 là nguyên nhân chính khiến doanh thu KSB sụt giảm mạnh.
Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm, Khoáng sản Bình Dương thu về 282 tỷ đồng. Lãi sau thuế lũy kế đạt 33,4 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, KSB đặt mục tiêu doanh thu 750 tỷ đồng, lãi trước thuế 130 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh trên, KSB mới hoàn thành được 37,6% mục tiêu doanh thu cùng 41,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cổ phiếu mất giá, cổ đông lớn thoái vốn
Trước kết quả kinh doanh ảm đạm của Khoáng sản Bình Dương, diễn biến giá cổ phiếu KSB cũng không mấy sáng sủa. Từ vùng đỉnh giá hồi tháng 3/2024 quanh mốc 27.000 đồng/cổ phiếu, tại phiên 15/11/2024 gần nhất, KSB chỉ còn giao dịch ở mức 17.750 đồng/cổ phiếu, tương đương mất giá hơn 34%.
Vừa qua, một cổ đông lớn của KSB cũng đã bắt đầu thoái vốn. CTCP DRH Holdings, tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HĐQT của KSB, ông Phan Tấn Đạt đã thông báo thoái vốn, bán 2 triệu cổ phiếu KSB.
Thời gian diễn ra giao dịch dự kiến từ ngày 19/11 đến 16/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Lý do được đưa ra cho giao dịch bán cổ phiếu này của DRH Holdings là để cơ cấu danh mục đầu tư.
Nếu hoàn tất giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của DHR Holdings tại Khoáng sản Bình Dương sẽ giảm từ 22,9% xuống còn 21,2% vốn điều lệ.
Bích Diễm