Hòa Bình (HBC) chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 2021
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE – Mã: HBC) thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2021.
Theo đó, ngày 25/8, HBC sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%. Trong đó, cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 3%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 300 đồng; trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 7 cổ phiếu mới.
Đối với cổ tức bằng tiền, thời gian dự kiến thanh toán là ngày 30/9. Được biết, với 245,65 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HBC sẽ chi tổng cộng 73,7 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền trong đợt này.
Hòa Bình (HBC) chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 2021 |
Trong một diễn biến khác, HBC công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, đại hội dự kiến tổ chức ngày 24/8 tại TP. HCM. Theo đó, Công ty sẽ trình cổ đông thay đổi một số ngành, nghề đăng ký kinh doanh và điều lệ Công ty phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành để phát hành cổ phiếu theo phương án phát hành riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 25/4/2022. Trong đó, đáng chú ý có nội dung điều lệ được bổ sung về người điều hành:
Nội dung trước điều chỉnh, người điều hành Công ty bao gồm Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người điều hành khác theo quy định của điều lệ Công ty.
Nội dung sau điều chỉnh, người điều hành Công ty bao gồm Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc thường trực, các phó Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính, kế toán trưởng và người điều hành khác theo quy định của Điều lệ Công ty.
Điểm đáng lưu ý, ngày 23/7, Công ty vừa miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT và đồng thời, bổ nhiệm ông Hiếu vào vị trí Phó tổng giám đốc thường trực.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 ngày 25/4, HBC thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 74 triệu cổ phiếu, giá phát hành ủy quyền cho HĐQT lựa chọn nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Toàn bộ số tiền huy động được, Công ty dự kiến bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ vay nhằm giảm áp lực tài chính.
Đồng thời, HBC cũng sẽ trình bày chiến lược kinh doanh trong 10 năm tới và xin ý kiến cổ đông thông qua chính sách thưởng khích lệ Ban điều hành, cán bộ trọng yếu và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp hiệu quả vào việc đạt và vượt chỉ tiêu doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng vào năm 2032.
Doanh thu đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng trpng quý II
Trong quý II/2022, HBC ghi nhận doanh thu đạt 4.079,83 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 50,28 tỷ đồng, giảm 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,1% về còn 3,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 31,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 60,93 tỷ đồng về 134,13 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 181,6%, tương ứng tăng thêm 118,1 tỷ đồng lên 183,15 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 77,7%, tương ứng tăng thêm 62,33 tỷ đồng lên 142,58 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26%, tương ứng tăng thêm 27,01 tỷ đồng lên 130,77 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 403,5%, tương ứng tăng thêm 23,12 tỷ đồng lên 28,85 tỷ đồng.
Trong kỳ, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm, nguyên nhân chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm. Mặc dù Công ty đã tăng nguồn thu từ doanh thu tài chính và lợi nhuận khác nhưng không đủ bù đắp sự sụt giảm của biên lợi nhuận gộp, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, HBC ghi nhận doanh thu đạt 7.062,8 tỷ đồng, tăng 29,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 60,89 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, HBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 17,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 1.364,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 691,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 200,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.469,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hòa Bình tăng 10,1% so với đầu năm lên 18.255,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 12.963,6 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.754 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 12,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.425,5 tỷ đồng lên 12.963,6 tỷ đồng; tồn kho tăng 15,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 361,9 tỷ đồng lên 2.754 tỷ đồng.
Xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 28,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.437 tỷ đồng lên 6.534,7 tỷ đồng và chiếm 35,8% tổng nguồn vốn.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu HBC giảm 650 đồng về 21.450 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 9 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu HBC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
HBC lọt Top 10 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
Ngày 10/08, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế (NCIF) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Viện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam (KAS) công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500). Theo đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình HBC vinh dự được xếp Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Hòa Bình (HBC) vinh dự nhận danh hiệu Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững |
Doanh nghiệp tư nhân trong nước đang khẳng định vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế. Theo Báo cáo, năm 2019, Việt Nam đang có 668,5 ngàn doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp tư nhân trong nước là 647,6 ngàn doanh nghiệp, chiếm 96,88% tổng số, đóng góp 15,12 triệu tỷ đồng (57%) tổng doanh thu thuần, thu hút 9.075 ngàn lao động, chiếm 59,9% tổng lao động trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên cơ sở tổng quan các phương pháp xếp hạng đã được sử dụng rộng rãi hiện nay, báo cáo xác định danh sách VPE500 dựa trên ba tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo ba tiêu chí trên.
Số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2019 của Tổng cục Thống kê (điều tra năm 2020) được sử dụng để lập danh mục VPE500. Nhóm nghiên cứu không sử dụng số liệu của năm 2020 (điều tra năm 2021) do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ở các mức độ và địa bàn khác nhau sẽ làm méo bức tranh ổn định của doanh nghiệp trong một thời gian dài trước đó.
Mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đã vinh dự nhận giải Top 50 Doanh nghiệp Phát triển bền vững do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức. Giải thưởng được đánh giá qua các tiêu chí chặt chẽ gồm: chỉ số kinh doanh/sản xuất, Chiến lược phát triển bền vững, Quản trị doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường và Trách nhiệm cộng đồng xã hội. Hướng đến phát triển bền vững, Hòa Bình luôn chú trọng các tiêu chuẩn xanh, xây dựng các công trình thân thiện với môi trường, hiện đại trên khắp mọi miền đất nước.
Năm 2022, Hòa Bình kỷ niệm 35 năm thành lập vào tháng 9/2022. Bước sang cột mốc ý nghĩa này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chuẩn bị kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022–2023). Hòa Bình đặt mục tiêu chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài, duy trì tốc độ phát triển doanh thu 5 năm tăng 5 lần, đến năm 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD và lan tỏa văn hóa yêu chuộng màu xanh hòa bình, màu xanh của sự phát triển bền vững.
Quỳnh Nga