Fecon (FCN) muốn phát hành hơn trăm tỷ đồng trái phiếu
CTCP Fecon (HOSE – Mã: FCN) dự kiến phát hành trái phiếu vào ngày 13/6/2022.
Fecon (FCN) muốn phát hành hơn trăm tỷ đồng trái phiếu. Hình minh họa |
Theo đó, FCN dự kiến phát hành tối đa 150 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất cố định 11%/năm, kỳ hạn 18 tháng. Được biết, tài sản bảo đảm là 22,7 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Fecon và 15,6 triệu cổ phiếu CTCP Công trình ngầm Fecon. Trong đó, tỷ lệ bảo đảm ban đầu là 264% và tỷ lệ bảo đảm duy trì không thấp hơn 250%.
Về kết quả kinh doanh, Fecon đã công bố báo cáo tài chính Quý 1/2022. Theo đó, FCN ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 14% về 502 tỷ đồng do triển khai một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Trong quý, giá vốn hàng bán chiếm tới 82% tổng doanh thu nên lãi gộp thu hẹp còn gần 88 tỷ đồng.
Nhờ bán khoản đầu tư thu về hơn 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận nên doanh thu từ hoạt động tài chính của Fecon đạt gấp đôi cùng kỳ, hơn 10,5 tỷ đồng. Bù lại, chi phí lãi vay và thuê tài chính tăng trên 60% lên 46 tỷ đồng do phát sinh từ đơn vị thành viên là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng khi dự án cùng tên này đi vào vận hành tháng 10/2021.
Cộng với các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã ngốn hết phần lãi của công ty. Kết quả, Fecon lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 17 tỷ - Đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết FCN báo lỗ.
FCN đặt kế hoạch lãi 2022 tăng gần 300% so với cùng kỳ
Tại ĐHĐCĐ năm 2022, FCN đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng. Như vậy sau một quý, Fecon đã thực hiện được 10% kế hoạch doanh thu.
Theo giải trình, nguồn doanh thu sẽ đến từ các dự án lớn của công ty như Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Sân bay Long Thành, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Hầm chui Lê Văn Lương, Đường sắt trên cao, Điện gió Trà Vinh 1.1, Điện gió Duyên Hải, vv. Theo công ty, trong quý 1 FECON đã ký được lượng hợp đồng với tổng trị giá 1.800 tỷ đồng.
Công ty tiết lộ, Fecon cũng đã tham gia đấu giá, đầu thầu, đệ trình làm nhà đầu tư tại một số dự án bất động sản tại Hưng Yên (206ha), Thái Nguyên(gần 30ha), Bắc Giang(tổng quy mô 300ha), Đồng Tháp (4ha) và Bắc Ninh (6ha).
Trong năm tới, Fecon cũng mong đợi khoản doanh thu tài chính 109 tỷ từ việc thoái vốn một vài dự án năng lượng chưa hiệu quả.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Fecon tính đến cuối quý I/2022 giảm 300 tỷ về 7.135 tỷ đồng, chủ yếu giảm từ mục khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.433 tỷ đồng).
Tổng nợ đi vay của Fecon gần 1.400 tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn, không thay đổi quá nhiều so với ngày đầu năm và chiếm khoảng 1/3 tổng nợ phải trả. Số nợ này khiến doanh nghiệp phải trả lãi vay hơn 46 tỷ đồng quý I đã đề cập ở trên.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 13/6, cổ phiếu FCN đang giao dịch quah mức, 15.900 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 1,6 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu FCN thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Khánh Vân