Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công ty Dệt 19.5 nợ lương, chậm đóng BHXH: Người lao động đã được nhận lương tháng 9.2022

Ngày 21.3, bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam - cho biết, 66 người lao động tại nhà máy đã được nhận lương tháng 9.2022.

Công ty Dệt 19.5 nợ lương, chậm đóng BHXH: Người lao động đã được nhận lương tháng 9.2022

Đại diện người lao động Nhà máy dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam phản ánh sự việc với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh chụp ngày 19.2: Hà Anh

Từ ngày 18.2, Báo Lao Động đăng tải loạt bài “Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam: Vừa nợ lương, vừa chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài”. Trong loạt bài của Báo Lao Động có nêu nội dung, mặc dù người lao động gắn bó rất lâu với doanh nghiệp, người nhiều nhất là 17 năm, nhưng lãnh đạo công ty đối xử với người lao động rất tệ: Vừa nợ lương, vừa chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. 

Do công ty chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 4 năm, với số tiền trên 13,4 tỉ đồng và nợ lương các tháng 9, 10, 11.2022 khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều người phải đi làm thời vụ, thu nhập bấp bênh…

Ngày 4.7.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số 1328/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với Chi nhánh Công ty CP Dệt 19.5 Hà Nội tại Hà Nam số tiền 150.000.000 đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn không thực hiện nộp phạt theo như quyết định của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam.

Sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài, ngày 21.3, bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam - cho hay, 66 công nhân lao động (CNLĐ) tại nhà máy đã được nhận lương tháng 9.2022.

“Tôi vừa được nhận hơn 7 triệu đồng tiền lương tháng 9.2022. Hiện công ty còn nợ chúng tôi lương tháng 10 và tháng 11.2022. Đặc biệt, trước khi bị “cấm” vào nhà máy, công nhân lao động làm ra rất nhiều sản phẩm ở trên dàn máy, tuy nhiên lãnh đạo công ty không tính lượng sản phẩm này để trả công cho người lao động. Trong khi đó, hiện nay, nhà máy đã được chuyển nhượng sang công ty mới” - bà Hiền cho hay.

Liên quan đến khoản nợ BHXH hơn 13,4 tỉ đồng của người lao động, mới đây công ty đưa ra lộ trình trả dần trong 2 năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, người lao động không đồng ý.

“Chúng tôi, đề nghị công ty thanh toán, chốt sổ, trả sổ BHXH cho người lao động đến hết thời điểm mà người lao động nghỉ việc theo đúng thủ tục, quy định của pháp luật; thanh toán các khoản nợ ngoài lương như tiền ốm đau, thai sản, nằm viện, cổ tức, cổ phần, cổ phiếu (nếu có); thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định từ năm 2009 trở về trước” - bà Hiền nói.

Được biết, người lao động đã tới Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động, Công đoàn Hà Nội để nhờ trợ giúp. Trước khó khăn của người lao động, trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ người lao động về hồ sơ khởi kiện và khi có quyết định bản án, trung tâm tiếp tục hỗ trợ việc thi hành án.  

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...