Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu HPG gây "đau thương" cho nhiều doanh nghiệp

Quý II/2022, không ít các doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lớn từ chứng khoán đầu tư, và tác nhân được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là cổ phiếu HPG của "ông lớn" ngành thép - CTCP Tập đoàn Hòa Phát.

"Mùa" báo cáo tài chính quý II dần đi qua, trong khi khi nhóm ngân hàng, thủy sản, hóa chất,... tiếp tục báo lợi nhuận tăng trưởng đáng kể, vẫn còn đâu đó nhiều nhóm như thép, chứng khoán, bảo hiểm,... ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc.

Với riêng nhóm thép, việc phải sản xuất trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và bán ra khi giá thép liên tục điều chỉnh giảm khiến biên lợi nhuận thuần của nhóm doanh nghiệp ngành lao dốc. Cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép cũng theo đó mà "cắm đầu". Hệ quả là, nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào cổ phiếu thép, với tâm điểm HPG đã nếm "trái đắng" trong hoạt động chứng khoán đầu tư.

Cổ phiếu HPG gây

"Tin" vào cổ phiếu HPG, nhiều doanh nghiệp nhận "cái kết đắng"

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS - HOSE) công bố báo cáo tài chính với việc lỗ 267 tỷ trong quý II/2022. Theo đó, trong quý II, VDS bất ngờ ghi nhận khoản lỗ từ các tài sản tài chính (chủ yếu là các cổ phiếu đầu ngành) lên đến 269 tỷ đồng trong đó lỗ đã thực hiện khoảng 60 tỷ và lỗ tạm tính chênh lệch giá mua và giá thị trường 209 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lãi 1,3 tỷ đồng hồi đầu năm, VDS đã rót thêm 70 tỷ đồng vào khoản đầu tư cổ phiếu HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) nâng giá trị đầu tư tại mã này lên mức gần 85 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2022, khoản đầu tư này ghi nhận mức lỗ 35%.

Tương tự, CTCP Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB - HOSE) - gương mặt từng gây chú ý hồi tháng 4/2022 cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 26,7 tỷ đồng và mức lãi sau thuế vỏn vẹn 1,46 tỷ đồng - không đáng kể so với cùng thời điểm.

Cổ phiếu HPG gây

Nguồn: TVB

Kỳ này, TVB ghi nhận sự lao dốc mạnh ở nhiều nguồn thu trong đó hoạt động tự doanh chuyển lỗ 4,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2022, danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng 40% lên 369 tỷ đồng hồi đầu năm (giá gốc 444 tỷ đồng. Tuy nhiên, TVB lại ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng trong đó (lỗ 85 tỷ đối với cổ phiếu HPG); lỗ 7 tỷ với cổ phiếu PVT, lỗ 37 tỷ đồng với các cổ phiếu khác. TVB chỉ xuất hiện khoản lãi gần 17 tỷ đồng với cổ phiếu FPT.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng và vật liệu xây dựng là CTCP Hoá An (Mã: DHA - HOSE) cách đây không lâu đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với khoảng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 8% so với số lãi 21,5 tỷ đồng đạt được trong quý II/2021.

Đến 30/6/2022 Hoá An có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 86 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào cổ phiếu HPG với giá trị tạm tính hơn 78 tỷ đồng). cuối quý II/2022, với 2,54 triệu cổ phiếu HPG, Hoá An đã phải trích lập dự phòng 20,17 tỷ đồng - tương đương mức thua lỗ khoảng 26%.

Với CTCP Đầu tư CMC (Mã: CMC - HNX) - doanh nghiệp có hoạt động chính với mảng sản xuất công nghiệp vừa báo lỗ ròng hơn 6,4 tỷ đồng - quý lỗ đầu tiên kể từ quý III/2020 với nguyên nhân đến từ hoạt động tài chính.

Trong cơ cấu đầu tư ngắn hạn, mảng chứng khoán kinh doanh bất ngờ tăng đáng kể từ mức 22,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 28,9 tỷ đồng. Đáng buồn là việc bắt hụt đáy nhiều cổ phiếu khiến khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng đột biến 98% lên mức gần 9 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, danh mục đầu tư chứng khoán của CMC đến thời điểm cuối năm ghi nhận thêm nhiều cổ phiếu mới trong đó có 75.000 cổ phiếu HPG.

Cổ phiếu HPG gây

Biến động một số khoản đầu tư chứng khoán của CMC tính đến đến cuối quý II/2022

Triển vọng nào cho cổ phiếu HPG?

Việc lựa chọn cổ phiếu HPG cho khoản đầu tư ngắn hạn với nhiều doanh nghiệp trong quý II/2022 có vẻ như là phương án đầu tư thất bại bởi kể từ sau mức lãi khủng quý III/2021 giúp cổ phiếu lập đỉnh giá 44.000 đồng (giá đã điều chỉnh), cổ phiếu HPG đã liên tục lao dốc và rơi về vùng 21.400 đồng (kết phiên 28/7/2022).

Cổ phiếu HPG gây

Diễn biến giá cổ phiếu HPG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Mới nhất, Hòa Phát đã có báo cáo sơ bộ về tình hình kinh doanh quý II và bán niên 2022 trong đó quý II/2022 ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng - tăng 6% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng - giảm 59% so với quý I/2021 - mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 quý gần đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG ghi nhận doanh thu 82.118 tỷ đồng - tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 27% về mức 12.229 tỷ đồng qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.

Đáng nói, trong cùng thời điểm, sau giai đoạn đột phá, biên lãi ròng của HPG đã lao mạnh từ mức đỉnh 27,5% hồi quý II/2021 về còn 10,67% trong quý II/2022.

Dù chưa công bố kết quả kinh doanh chi tiết song có thể nhận thấy đà lao dốc này đến từ việc giá vốn và chi phí sản xuất tại HPG đã tăng lên đáng kể, nhất là trong bối cảnh giá than, thép nhập đầu vào liên tục tăng tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm.

Thêm vào đó, qua 11 lần giảm giá gần nhất, ngành thép đang được dự báo có thể đứng trước một số rủi ro nửa cuối năm - nhất là với các doanh nghiệp có tồn kho lớn.

Giới phân tích cho rằng, với bức tranh chưa thể sáng cửa trở lại trong ngắn hạn, kỳ vọng về việc giá cổ phiếu HPG và nhóm cổ phiếu thép phục hồi trở lại vùng giá đỉnh đang được đánh giá không khả quan. Theo đó, nhà đầu tư cần cân nhắc các chiến lược đầu tư cụ thể trước khi xuống tiền.

Ngành thép cuối năm còn cơ hội "trở mình"?

Đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset đã hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính dựa trên các luận điểm: Áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.

“Dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 hạ 15% về 27,76 triệu tấn (-10%), riêng sản lượng xuất khẩu đạt mức 7.6 triệu tấn (+1%)”, báo cáo nêu.

Về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Lý do là bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.

Trước đó, SSI Research từng cho rằng, sản lượng thép xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

“Lợi nhuận năm 2022 của Hoà Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm. Lợi nhuận dự phóng năm 2022 của Hoa Sen cũng giảm 67% so với cùng kỳ, dự kiến ở mức 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Với Nam Kim, lợi nhuận năm 2022 cũng được dự báo sẽ giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng”, SSI Research dự báo.

Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, ngành thép vẫn “sáng cửa”. Các yếu tố hỗ trợ ngành thép trong thời gian tới có thể đến từ sự phục hồi của giá thép trong khu vực sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và giá than cốc hạ nhiệt trong trung hạn từ mức cao bất thường hiện tại.

Đáng chú ý, thông tin mới đây cho thấy, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, mang tới kỳ vọng nước này sẽ có tiếng nói hơn trong việc định giá quặng sắt để có thể chống lại việc thao túng giá trên thị trường quốc tế. Điều đó sẽ mang tới yếu tố tích cực cho việc nhập khẩu của thị trường trong nước, bởi sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 43,5% tổng lượng và chiếm 40,9% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Ngoài ra, với quyết tâm của Chính phủ, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ, các dự án đầu tư công trong thời gian tới có thể giúp nhóm ngành này được chú ý trở lại.

Nguyên Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...