Bức tranh ngành thép quý III: Hoà Phát vượt khó, thị trường hé lộ kỳ vọng phục hồi
Thị trường thép quý III đối mặt nhiều khó khăn với giá giảm sâu và áp lực cạnh tranh, lợi nhuận qua đó cũng phân hoá rõ nét. Trong số đó, Hoà Phát vẫn giữ vững sự ổn định và duy trì vị thế là "ông lớn" đầu ngành. Những tín hiệu phục hồi cũng đã bắt đầu xuất hiện, mang lại kỳ vọng mới cho toàn ngành.
Giá thép nội địa giảm sâu, doanh nghiệp vật lộn duy trì lợi nhuận
Trong 9 tháng đầu năm, giá thép trên thị trường Việt Nam liên tục trượt dốc, tạo nên sức ép lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm, mức giảm này lại không tương xứng với mức giảm của thép thành phẩm, khiến nhiều doanh nghiệp thép đối mặt với bài toán lợi nhuận khó khăn hơn bao giờ hết. Áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, đặc biệt là từ nguồn cung dồi dào của thép Trung Quốc, buộc các nhà sản xuất trong nước phải cắt giảm giá thành để giữ thị phần.
Hình minh hoạ. |
Trong khi đó, thị trường bất động sản – động lực tiêu thụ thép lớn nhất – sau giai đoạn "đóng băng" đã có tín hiệu phục hồi, nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp. Điều này giúp tiêu thụ thép nội địa trong quý III có sự tăng trưởng, tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt và giá thép liên tục giảm vẫn ảnh hưởng nặng nề tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hòa Phát vượt khó, các “ông lớn” khác vẫn ngập trong thua lỗ
Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (HOSE: HPG) – tên tuổi lớn nhất ngành thép Việt Nam – ghi nhận tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép cuộn cán nóng đạt 1,84 triệu tấn trong quý III. Tuy nhiên, so với quý II, sản lượng tiêu thụ của Hoà Phát đã sụt giảm. Doanh thu quý III tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 14% so với quý II, phản ánh rõ tác động của giá thép giảm và sản lượng tiêu thụ yếu đi.
Bất chấp những khó khăn, Hoà Phát vẫn ghi nhận doanh thu mảng thép tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, từ 26.900 tỷ lên 31.354 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần tăng mạnh 58%, đạt 5.423 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13,27% ở quý II lên 13,93% ở quý III nhờ vào việc tiết giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giúp Hoà Phát duy trì hiệu quả sản xuất.
Ngược lại, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, UPCoM TVN) không giữ được đà phục hồi và bất ngờ báo lỗ 96 tỷ đồng trong quý III, dù doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 8.698 tỷ đồng. Sự gia tăng đột biến trong giá vốn đã khiến biên lợi nhuận gộp của VNSteel thu hẹp đáng kể, các chi phí phát sinh ăn mòn lợi nhuận dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan.
Tương tự, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCoM: TIS), công ty con của VNSteel cũng báo lỗ ròng 84 tỷ đồng trong quý III, tăng so với mức lỗ 59 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của Tisco giảm mạnh từ 1,4% xuống còn 0,4%, khi công ty đối mặt với loạt khó khăn từ việc mất điện, bão lụt và chi phí sản xuất leo thang.
Khó khăn đè nặng ngành tôn mạ và sự cạnh tranh với nhập khẩu
Ngành tôn mạ và ống thép Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn, khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc với chi phí chiếm đến 80%-90% tổng đầu vào. Điều này khiến các nhà sản xuất tôn mạ trong nước phụ thuộc nhiều vào giá HRC (thép cuộn cán nóng) quốc tế, gây áp lực lớn đến biên lợi nhuận khi giá HRC biến động và chi phí vận chuyển gia tăng.
Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) – doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôn mạ Việt Nam – báo cáo doanh thu quý IV niên độ 2024 - 2025 tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 10.109 tỷ đồng nhờ sản lượng bán tăng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,3% ở quý III xuống còn 8,4% ở quý IV, do giá bán trung bình giảm dưới áp lực từ thép Trung Quốc. Đáng chú ý, chi phí bán hàng và quản lý của Hoa Sen tăng 69% do chi phí vận chuyển tăng vọt, khiến công ty báo lỗ ròng 186 tỷ đồng trong quý IV.
Trong khi đó, Công ty CP Thép Nam Kim (HOSE: NKG), chiếm thị phần thứ hai ngành tôn mạ, đạt doanh thu 5.188 tỷ đồng trong quý III, tăng 22% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt 65 tỷ, giảm 70% so với quý II. Biên lợi nhuận gộp của Nam Kim giảm nhẹ từ 9% ở quý II xuống 8,71%, trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh tới 90%, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Công ty CP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) cũng chứng kiến tình trạng tương tự khi báo cáo doanh thu quý III tăng 26% nhờ sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,1% ở quý II xuống còn 7,24%, ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng vọt 81%. Kết quả là công ty ghi nhận lãi ròng 54 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng tăng giá thép nhờ chính sách hỗ trợ và nhu cầu xuất khẩu
Các chuyên gia tại Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo giá thép đã chạm đáy và có thể bắt đầu chu kỳ tăng giá trong vài năm tới nhờ các chính sách kích cầu thị trường bất động sản và xu hướng lãi suất giảm. Nhu cầu thép tại Mỹ, EU và các nước ASEAN – thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – có thể tăng trở lại, giúp ngành thép Việt Nam tiếp tục duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc – nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới – đang đẩy mạnh các biện pháp kích thích, tăng cường tiêu thụ thép nội địa. Điều này giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh giá bán thép trên thị trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thép Việt Nam xuất khẩu với giá bán tốt hơn trong tương lai gần.
Cuộc chiến giảm giá trong ngành thép có thể tạm lắng khi thị trường toàn cầu dần phục hồi, và ngành thép Việt Nam có thể hưởng lợi lớn từ nhu cầu tăng cao ở các thị trường lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép vẫn phải đối mặt với loạt thách thức lớn từ chi phí vận chuyển, biến động giá nguyên liệu và sự cạnh tranh từ nguồn thép nhập khẩu, đòi hỏi sự linh hoạt và chiến lược hiệu quả để tiếp tục duy trì lợi nhuận.
Phạm Hường