BMW gặp khủng hoảng truyền thông lớn bậc nhất lịch sử vì những "cây kem"
BMW đang gặp khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng chỉ vì coi thường khách hàng Trung Quốc.
Cụ thể, thương hiệu xe hơi hạng sang Mini của BMW đã liên tục phải xin lỗi sau những cáo buộc phân biệt chủng tộc với khách xem nội địa trong cuộc triển lãm ô tô Thượng Hải vừa qua. Hàng loạt các video được quay lại cho thấy 2 nhân viên Trung Quốc của Mini đã liên tục bảo với khách xem trong nước rằng họ đã hết kem miễn phí, ngay sau đó lại lấy kem phát cho những khách nước ngoài.
Những video này đã tạo nên làn sóng giận dữ trên mạng xã hội Trung Quốc khi cộng đồng mạng cáo buộc BMW phân biệt đối xử, dẫn đến làn sóng tẩy chay thương hiệu này.
Nhân viên Mini-BMW bị tố phân biệt đối xử khi phát kem cho khách thăm quan
Đây là thông tin vô cùng tệ với BMW khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất của hãng, vượt qua Mỹ cách đây 10 năm. Năm 2022, BMW đã bán được 792.000 chiếc xe tại Trung Quốc, cao hơn nhiều so với 362.000 đơn vị tại Mỹ.
Theo CNN, nhiều thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc như BMW trong những năm gần đây phải đối mặt với khá nhiều bê bối liên quan đến phân biệt chủng tộc cùng những vấn đề nhạy cảm khi sức mạnh của người tiêu dùng nội địa tăng lên.
Sau nhiều năm bùng nổ kinh tế, người dân giàu có hơn, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ chủ chốt của vô số nhãn hiệu, đồng thời cũng tự phát triển được một chuỗi cung ứng và nhiều thương hiệu nội địa sừng sỏ để cạnh tranh.
Lấy chính BMW làm ví dụ, hãng xe hơi này đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều thương hiệu xe điện tại Trung Quốc, vốn có giá rẻ hơn, thiết kế đẹp không kém và ngày càng được người dân Trung Quốc ưa chuộng.
Tờ New York Times thậm chí cho biết 80% số xe hơi bán mới trong năm vừa qua là của các thương hiệu Trung Quốc, bất kể là xe điện hay ô tô động cơ đốt trong.
Quay trở lại vụ bê bối, BMW đã cố gắng thanh minh rằng việc phát kem miễn phí cho những khách thăm quan nhằm tạo cảm giác “ngọt ngào” cho mọi người khi chiêm ngưỡng các sản phẩm của hãng.
“Do quản lý nhân viên không được tốt cũng như để lơ là nhiệm vụ, chúng tôi đã gây nên sự khó chịu cho mọi người và chân thành xin lỗi về điều đó”, thông cáo của BMW nêu rõ, đồng thời cam kết sẽ cải thiện việc đào tạo nhân viên.
Tuy nhiên lời xin lỗi này không làm dịu được tình hình đang lan rộng trên mạng xã hội.
Khủng hoảng truyền thông
Mới đây, nhãn hiệu Mini của BMW tiếp tục đăng tải một thông báo xin lỗi kiểu khác, qua đó cho biết người khách nước ngoài được nhận kem trong video thực chất là nhân viên công ty.
Theo đó, Mini phát khoảng 300 cây kem mỗi ngày cho các du khách, đồng thời để một phần nhỏ cho nhân viên của mình.
“Khoảng 4-5 người nước ngoài nhận kem mà bạn thấy trong video thực chất là nhân viên của chúng tôi. Họ đeo bảng tên nhân viên trên áo”, thông cáo nêu rõ.
Ngoài ra, Mini cũng kêu gọi cộng đồng mạng thông cảm cho 2 nữ nhân viên trong đoạn clip bởi họ còn trẻ và thiếu kinh nghiệm.
Tuy nhiên lời giải thích này càng làm gia tăng sự phẫn nộ trên mạng xã hội.
“Bạn thực sự không biết viết thông cáo xin lỗi nhỉ? Tôi xin bạn đấy, hãy chi tiền và thuê đội ngũ truyền thông khác đi”, một bình luận nhận được 31.000 lượt thích trên Weibo ghi rõ.
Những từ khóa liên quan đến BMW và vụ cây kem của Mini đã trở thành đề tài nóng hổi nhất trên mạng xã hội Trung Quốc vài ngày qua với 530 triệu lượt tìm kiếm riêng ngày 21/4.
Khi người dân Trung Quốc giàu lên, những dòng xe hạng sang như BMW đồng thời cũng trở thành biểu tượng của sự thành đạt hay giàu có trong xã hội.
Năm 2010, một thí sinh tham sự chương trình hẹn hò truyền hình Trung Quốc đã tuyên bố thẳng “Tôi thà khóc trên BMW còn hơn cười trên một chiếc xe đạp”, qua đó trở thành câu nói biểu tượng cho xu thế sống vật chất của giới trẻ nước này.
Tuy nhiên sự trỗi dậy của ngành xe điện cũng như lòng tự tôn dân tộc đã khiến BMW đang gặp thách thức rất lớn tại thị trường tỷ dân này.
*Nguồn: CNN