Tiền gửi nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán xuống mức thấp nhất nhiều quý, chỉ còn chưa tới 60.000 tỷ đồng
Lượng tiền gửi khách hàng tại các CTCK tiếp tục giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với con số cuối trước song mức giảm đã chậm lại đáng kể.
Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 1/2023 ghi nhận khoảng 58.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với con số cuối quý 4/2022 trước đó. Tuy nhiên điểm tích cực là lượng giảm trong quý này đã thấp hơn đáng kể so với mức giảm khoảng 14.000 tỷ trong quý 4/2022. Nếu so với mức kỷ lục cuối quý 1/2022 là 100.000 tỷ đồng thì lượng tiền gửi bị rút ra xấp xỉ ngưỡng 42.000 tỷ đồng.
Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/3/2023.
Theo thống kê, VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, hơn 13.650 tỷ đồng. Việc dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn và thị trường phái sinh giúp VPS có nhiều dư địa để sở hữu lượng lớntiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản. Tuy nhiên nếu so với quý 4 trước đó thì lượng tiền này đã tiếp tục sụt giảm gần 3.700 tỷ đồng và là quý thứ 4 liên tiếp sụt giảm so với quý trước đó. Đây đồng thời là mức giảm mạnh nhất về giá trị tiền gửi của nhà đầu tư trong ngành.
Ngoài ra, lượng giảm mạnh trong nhóm các công ty chứng khoán được ghi nhận tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khi giảm khoảng 770 tỷ xuống còn hơn 781 tỷ đồng. Chứng khoán Yuanta cũng ghi nhận lượng tiền gửi của nhà đầu tư giảm hơn 530 tỷ xuống còn 565 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, Chứng khoán SSI ghi nhận mức giảm 134 tỷ đồng xuống còn 4.581 tỷ.
Ngược lại, một số CTCK ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng tăng so với cuối quý trước. Có thể kể tới như VNDirect (5.122 tỷ đồng, tăng 306 tỷ), Mirae Asset (3,642 tỷ đồng, tăng 528 tỷ), SHS (1.814 tỷ đồng, tăng 505 tỷ), VCBS (2.964 tỷ đồng, tăng 385 tỷ),…
Đi cùng xu hướng đi ngang của lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư, dư nợ cho vay tại các CTCK cũng chứng kiến mức tăng trưởng nhẹ. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tại thời điểm 31/1/2023 vào khoảng 123.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 118.000 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3.000 tỷ so với cuối năm 2022.
Đặc biệt, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức cao và động thái hạ nhiệt lãi suất cũng cần phải có thời gian để thị trường phản ứng, chứng khoán vẫn đối diện thêm áp lực cạnh tranh gay gắt hơn tới từ các kênh tiết kiệm có độ an toàn cao hơn.
Dù vậy, triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan, bức tranh triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu có những gam màu sáng nhờ sự quyết liệt hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN, mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho thị trường chứng khoán. Báo cáo của SGI Capital mới đây đã đánh giá suy thoái kinh tế xảy ra giúp thanh lọc doanh nghiệp yếu kém và giảm tỷ lệ vay nợ là điều kiện đủ cho kinh tế và thị trường chứng khoán tạo đáy lớn và mở ra nhiều cơ hội lớn cho những ai có tình hình tài chính lành mạnh và còn nguồn lực sẵn sàng.