Binance thừa nhận để lẫn tiền của khách hàng với tài sản đảm bảo của công ty
Sau thời gian dài im lặng, Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã thừa nhận việc giữ chung tiền gửi của khách hàng và tài sản đảm bảo của công ty trong cùng một ví.
Theo dữ liệu hiển thị trên web của Binance vào ngày 23/1, 94 đồng B-Tokens (phiên bản trên BNB Chain của các token phổ biến như MATIC, UNI, DAI, MKR, AAVE,..) hiện được lưu trữ trên một ví duy nhất có tên là "Binance 8". Ví này chứa nhiều token dự trữ hơn đáng kể so với số lượng B-Token mà Binance đã phát hành.
Điều này cho thấy, tài sản thế chấp đang được trộn lẫn với tiền của khách hàng thay vì được lưu trữ riêng, như đã được thực hiện đối với các mã token cố định Binance khác theo hướng dẫn riêng của công ty.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, đại diện của Binance thừa nhận việc nền tảng này đã trộn lẫn tiền gửi của người dùng với tài sản đảm bảo cho các B-Token, nói đây là một "sai sót".
Đại diện này cho biết: "Binance 8 là một ví lạnh của sàn. Trước đây đã có sai sót dẫn đến việc tài sản thế chấp đã được chuyển vào đây và được đề cập trên danh sách địa chỉ bảo chứng cho B-Token. Binance đã nắm được thông tin về sai sót này và đang trong quá trình chuyển tài sản về ví riêng biệt".
Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm chính xác mà sàn đã phát hiện việc trộn lẫn tiền và liệu tình trạng này đã xảy ra bao lâu. Người phát ngôn của Binance tuyên bố sàn vẫn đảm bảo nắm giữ 1:1 tài sản của người dùng.
Bloomberg cho biết, hiện có hơn 40 đồng B-Token được giữ tài sản đảm bảo trong ví Binance 8. Lượng giá trị tài sản đảm bảo cho B-Token lên đến 539 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng tài sản 1,8 tỷ USD đang được Binance nắm giữ.
Kể từ tháng 11/2022 khi xảy ra "thảm họa" FTX, các sàn giao dịch tiền điện tử như Binance được yêu cầu phải công khai minh bạch về tài sản của mình. Thời điểm này, Binance đã công bố các ví nắm giữ tiền mã hóa của mình trong nỗ lực gia tăng sự minh bạch và trấn an người dùng.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu blockchain đã chỉ ra điểm bất thường liên quan đến ví Binance 8. Theo đó, ví này vừa được khẳng định là lưu trữ tiền của khách hàng, song cũng được liệt kê trong danh sách ví bảo chứng các tài sản tiền mã hóa mà Binance phát hành như BUSD hay B-Token.
Tháng 12/2022, Binance liên tục vướng phải nhiều tranh cãi khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới và ồ ạt rút tiền ra khỏi sàn.
Công ty dữ liệu tiền điện tử Nansen cho biết trong tuần đầu tháng 12, Binance đã mất 3 tỷ USD, tương đương khoảng 4% tổng số tài sản công ty tại thời điểm đó. Tuy nhiên, theo Forbes, thực tế Binance đã mất 15% tài sản vào thời điểm đó, tức 12 tỷ USD dự trữ của Binance đã bốc hơi trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Trong tháng đầu tiên của năm 2023, Binance còn bị phát hiện có nhiều dấu hiệu đáng ngờ liên quan đến hoạt động niêm yết token mới khi có địa chỉ ví bị phát hiện nhiều lần mua rồi bán những token sắp sửa được mở giao dịch trên sàn.
Binance đã thông báo niêm yết và mở giao dịch RPL (Rocket Pool) từ chiều ngày 18/01. Ngay khi lên sàn, RPL đã lập đỉnh ở mốc 42,9 USD trước khi giảm về mức 31,65 USD. Theo Wu Blockchain, một địa chỉ ví ẩn danh đã mua vào khoảng 6.200 RPL 10 phút trước khi Binance thông báo niêm yết token này. Sau đó, người này đã bán sạch hết RPL và thu về 55.400 USD.
Chính hoạt động này đã dấy lên nghi ngờ về giao dịch nội gián diễn ra trên sàn Binance. Bởi trước đấy, chính CEO Changpeng Zhao đã nhấn mạnh về chính sách hạn chế nhân viên của sàn giao dịch, yêu cầu nhân viên Binance phải nắm giữ một đồng coin ít nhất 90 ngày mới được phép bán.
Ngoài ra, Binance cũng thừa nhận từng gặp vấn đề trong công tác bảo chứng stablecoin BUSD, nhưng đã được giải quyết ổn thỏa.
Đại diện Binance cho biết: "Quá trình duy trì peg (đảm bảo 1 BUSD - 1 USD) cần sự phối hợp của nhiều đội ngũ và không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Điều này từng gây ra nhiều chậm trễ trong quá khứ. Gần đây, quy trình này đã được cải thiện đáng kể, sàn đã thường xuyên cho kiểm tra nâng cao để đảm bảo BUSD luôn giữ được tỷ lệ 1:1".
Tham khảo: Bloomberg