Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BIM Group có món nợ phải trả lên tới 1.320 tỉ đồng

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản BIM Group đạt 8.689 tỉ đồng, tăng thêm 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt tại công ty có 1,6 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng không kì hạn 1,5 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn 3.357 tỉ đồng, tăng khoảng 700 tỉ đồng sau 12 tháng.

BIM Group có món nợ phải trả lên tới 1.320 tỉ đồng

Tài sản BIM Group lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Ảnh: Chụp màn hình

Tổng tài sản BIM Group tăng 5%

Như Lao Động đã thông tin, dữ liệu riêng lẻ Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM (CTCP BIM Group) cho thấy, tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã dành 5.030 tỉ đồng, tương ứng với 58% tổng tài sản (8.689 tỉ đồng) để đầu tư tài chính dài hạn. Trong đó, có đến 5.114 tỉ đồng là đầu tư vào công ty con. Hoạt động này đang đưa lại quả ngọt cho công ty khi nhận 780 tỉ đồng cổ tức từ công ty con.

Kết thúc năm 2022, vốn góp chủ sở hữu tại BIM Group là 3.151 tỉ đồng, thế nhưng nhờ kinh doanh có lãi trong những năm qua, doanh nghiệp đưa về 4.218 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Nhờ đó, giúp vốn chủ sở hữu BIM Group tại ngày 31.12.2022 xấp xỉ 7.369 tỉ đồng.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản BIM Group đạt 8.689 tỉ đồng, tăng thêm 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt tại công ty có 1,6 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng không kì hạn 1,5 tỉ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn 3.357 tỉ đồng, tăng khoảng 700 tỉ đồng sau 12 tháng.

Đáng chú ý khi BIM Group còn hơn 650 tỉ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn với CTCP Lifestyle Việt Nam (công ty con của BIM Group). Được biết, đây là khoản cho vay không tài sản đảm bảo với mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh. Thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 5%, lãi và gốc cho vay được thanh toán khi đáo hạn.

Dữ liệu Lao Động cho thấy, tính đến cuối năm 2022, BIM Group đã đầu tư 225 tỉ đồng vào CTCP Lifestyle Việt Nam, thế nhưng doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này hơn 83 tỉ đồng.

Tại ngày 31.12.2022, nợ phải trả BIM Group còn 1.320 tỉ đồng, giảm hơn 350 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính gần 390 tỉ đồng.

Được biết, BIM Group có khoản vay dài hạn khoảng 36 tỉ đồng tại VPBank, đây là khoản vay được chuyển giao từ Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long. Được đáo hạn muộn nhất vào tháng 2.2041. Tài sản đảm bảo là hai căn hộ chung cư thuộc quyền sở hữu của công ty tại TPHCM.

Đồng thời, doanh nghiệp của ông Đoàn Quốc Việt còn vay dài hạn Ngân hàng Quân đội gần 15 tỉ đồng, đáo hạn vào năm 2019. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là Quyền sử dụng căn hộ thuộc dự án Aqua Central. Vay dài hạn Vietcombank 18,5 tỉ đồng, khoản vay này được thế chấp bằng xe ôtô.

BIM Group còn sử dụng một xe ôtô khác làm tài sản cố định để đảm bảo cho khoản vay trị giá 2,8 tỉ đồng tại Vietinbank. Doanh nghiệp này cũng vay dài hạn CTCP Syrena Hùng Thắng không tài sản đảm bảo 112,7 tỉ đồng (công ty con gián tiếp của công ty) được đáo hạn vào ngày 1.6.2025, lãi suất 8%/năm.

Ngoài ra, BIM Group đang vay ngắn hạn không có tài sản đảm bảo tại Công ty TNHH BIM Kiên Giang (công ty con gián tiếp của BIM Group) gần 205 tỉ đồng, chiếm đến 53% tổng nợ vay của BIM Group.

Chủ nợ lớn nhất của BIM Group lãi khủng

Công ty TNHH BIM Kiên Giang (BIM Kiên Giang) được thành lập ngày 6.4.2004, có địa chỉ trụ sở chính tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hiện nay do ông Đoàn Quốc Huy giữ vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

BIM Kiên Giang được biết đến với vai trò phát triển một loạt các dự án tại Phú Quốc như: Dự án khu du lịch Bãi Trường, dự án Waterfront B2+B3+B5+B6, dự án Marina Square, Dự án Saliling Club Villas Phú Quốc, dự án Palm Garden Shop Villas Phú Quốc, dự án Citadines.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản BIM Kiên Giang khoảng 4.771 tỉ đồng, giảm gần 600 tỉ đồng sau 12 tháng. Nợ phải trả công ty còn 3.386 tỉ đồng, giảm gần 50 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Bao gồm gần 700 tỉ đồng nợ vay tài chính.

Trong năm 2022, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của BIM Kiên Giang khoảng 2.102 tỉ đồng, giảm 28% so với năm trước đó. Thế nhưng, nhờ giá vốn bán hàng khá thấp, chỉ 1.001 tỉ đồng, giúp tỉ suất lợi nhuận gộp cận biên tại BIM Kiên Giang rất cao, lên đến 52,3%.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận sau thuế BIM Kiên Giang khoảng 652 tỉ đồng, điều này đồng nghĩa với biên lợi nhuận sau thuế lên đến 31%, tức là cứ 100 đồng doanh thu đưa về, doanh nghiệp sẽ lãi ròng 31 đồng. Thế nhưng, chỉ số này vẫn khá thấp so với tỉ lệ lên đến 40,9% năm trước đó.


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/bim-group-co-mon-no-phai-tra-len-toi-1320-ti-dong-1227603.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan