Bảo hiểm Quân đội (MIC) lên kế hoạch chào bán gần 26 triệu cổ phiếu tăng vốn
Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC - Mã: MIG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 1.644 tỷ đồng lên hơn 1.930 tỷ đồng.
Bảo hiểm Quân đội (MIC) lên kế hoạch chào bán gần 26 triệu cổ phiếu |
Cụ thể, MIC sẽ chào bán 25,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ phân bổ quyền 115:18, tức là tại ngày chốt danh sách để thực hiện quyền, cổ đông sở hữu một cổ phiếu được thưởng một quyền, cổ đông sở hữu 115 quyền được mua 18 cổ phiếu mới.
Cổ phiếu phát hành theo phương án này không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Thời điểm thực hiện trong năm 2022 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán và Bộ Tài chính chấp thuận.
Số cổ phiếu còn lại chưa phân phối hết vì các lý do như cổ đông từ chối mua, cổ phiếu được làm tròn,... sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Với số cổ phiếu không được cổ đông hiện hữu thực hiện quyền, HĐQT MIC sẽ chào bán cho các nhà đầu tư khác bao gồm Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với giá 10.000 đồng/cp để đảm bảo phát hành hết số cổ phần chào bán.
Bên cạnh đó, MIC cũng sẽ phát hành 2,86 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Tương tự, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Số tiền thu được từ phất hành cổ phiếu ESOP dự kiến sẽ sử dụng phần lớn để đầu tư tài chính bao gồm đầu tư chứng khoán, tiền gửi phù hợp với quy định.
Trước đó, MIG đã phát hành gần 21,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ thực hiện 15%, tức cổ đông sở hữu 100 quyền nhận cổ tức được nhận 15 cổ phiếu mới.
Kế hoạch sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán 25,7 triệu cổ phiếu. (Nguồn: MIC) |
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIC đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng mạnh 33% lên 1.414 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đạt gần 242 tỷ đồng, tăng trưởng 19%. Vì vậy, so với nửa đầu năm 2021, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MIC giảm 27%, đạt 107 tỷ đồng.
Năm 2022, MIC đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, hết nửa đầu năm, MIG mới chỉ hoàn thành 21% kế hoạch về doanh thu và 27% về lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của MIC tăng 23% so với đầu năm, đạt hơn 8,096 tỷ đồng. Trong đó, tài sản tái bảo hiểm đạt gần 2,026 tỷ đồng, tăng 44% và các khoản phải thu ngắn hạn tăng 30%, đạt gần 783 tỷ đồng.
Giá trị các khoản đầu tư tài chính đạt 3.643,5 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản và tăng 6,2% so với đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty ghi nhận giảm gần 30% so với con số hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó, chủ yếu là phần giảm của khoản ủy thác ngắn hạn, giảm 900 tỷ đồng còn 2.099 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu tư dài hạn của MIC lại ghi nhận mức tăng vọt gấp hơn 5 lần so với con số cuối tháng 12, lên 1.545 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đến từ khoản ủy thác dài hạn, đạt 1.000 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của MIC ghi nhận mức tăng nhẹ khoảng 4%, đạt 1.819 tỷ đồng, chủ yếu do mức tăng của khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng 25%, tương đương 68 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%, lượng cổ phiếu lưu hành của MIC đã tăng từ 143 triệu cổ phiếu lên 164,45 triệu cổ phiếu, tương ứng với đó, vốn điều lệ của công ty cũng tăng lên 1.644,5 tỷ đồng.
Hồng Giang