Amazon Global Selling đã làm gì sau 3 năm làm ăn ở Việt Nam?
Trong hơn 3 năm, Amazon Global Selling Việt Nam đã thành lập được 2 văn phòng chuyên trách tại TP.HCM – Hà Nội, kiện toàn được bộ máy lãnh đạo, thành lập được đội ngũ hỗ trợ tại Việt Nam, rút ra được những bài học quý giá cho các đối tác bán hàng…
Không cứ phải bạn làm mưa làm gió ở thế giới, đến Việt Nam sẽ kinh doanh dễ dàng, ví dụ như Amazon. Mặc dù là nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới, song ông lớn này vẫn phải đi từng bước và phải sau 3 năm không ngừng cố gắng, họ mới có những bước tiến vượt bậc ở thị trường Việt Nam.
AMAZON GLOBAL SELLING VIỆT NAM ĐÃ PHẦN NÀO KIỆN TOÀN BỘ MÁY Ở VIỆT NAM
Năm 2018, thị trường râm ran thông tin Amazon sắp vào kinh doanh ở Việt Nam, nhưng phải đến 2019, thì Amazon mới thành lập công ty Amazon Global Selling Việt Nam và bắt đầy xây dựng đội ngũ chuyên trách đặt tại TP.HCM. Lúc đó, ông Trần Xuân Thủy – cựu Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Alibaba, được Amazon ‘chọn mặt gửi vàng’ lãnh đạo đội ngũ tại Việt Nam.
Năm 2020, Amazon cử Gijae Seong đến Việt Nam giúp sức với Trần Xuân Thủy để công việc kinh doanh của họ phát triển nhanh hơn nữa. Doanh nhân người Hàn Quốc Gijae Seong từng làm việc ở Google, trước khi đến với Amazon; trước khi đến Việt Nam, ông từng là Giám đốc Amazon Global Singapore.
Tháng 3/2021, Amazon Global Selling Việt Nam thành lập đội chuyên trách tại Hà Nội và bổ nhiệm ông Trịnh Khắc Toàn làm Giám đốc khu vực phía Bắc, ông Trần Xuân Thủy làm Giám đốc khu vực phía Nam và ông Gijae Seong lên làm Giám đốc điều hành.
Cũng theo lời của ông Gijae Seong, sau vài năm gầy dựng, bất chấp 2 năm Covid-19, hiện Amazon Global Selling Việt Nam đã có được đội hỗ trợ mạnh mẽ cho các nhà bán hàng ở Việt Nam.
“ Hiện các chỉ số kinh doanh trên toàn cầu của Amazon không lạc quan trong vài quý gần đây, do nền kinh tế giới đang down trend. Theo dự đoán của tôi, trong vài quý tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, điều này không đúng với thị trường Việt Nam, chúng tôi vẫn đang phát triển rất tốt trong năm 2022 – tăng trưởng 80% so với 2021, trong khi 2021 chỉ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ 2020 ”, CEO Amazon Global Selling Việt Nam cho hay trong sự kiện Amazon Week 2022 tại TP.HCM.
Sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 có một vài nguyên do sau: thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để khai thác - phát triển; các nhà bán hàng – SMEs Việt Nam biết nhiều hơn đến Amazon sau hơn 3 năm.
Theo đó, tư duy của người bán hàng Việt cũng đã được thay đổi. Họ biết rằng, bán hàng qua Amazon Global Selling Việt Nam là một mô hình kind doanh hoàn toàn mới và phải đầu tư bài bản, như xây dựng đội ngũ nhân sự/thương hiệu, thì mới có hiệu quả. Nó không giống việc mình đang có sẵn hàng, cứ bỏ lên kênh online thì sẽ bán được hàng.
Đặc biệt, trong năm 2022, CEO Amazon Global Selling Việt Nam đã đơn giản hóa được quy trình đăng ký cho khách hàng của mình.
Những năm trước, các nhà bán Việt Nam đã gặp rất nhiều thách thức khi đội hỗ trợ của Amazon nằm ở Seattle (Washington City - Mỹ) không thể hiểu được văn hóa Việt Nam và ngược lại. Vậy nên, mặc dù các nhà bán có chuyển ngữ tài liệu của mình qua tiếng Anh, nhưng vẫn bị yêu cầu cung cấp rất nhiều giấy tờ khác nhau…
Trong thời gian dài, đã có tình trạng nhiều nhà bán hàng Việt hừng hực khí thế đi đăng ký tài khoản trên Amazon để xuất khẩu, nhưng cuối cùng lại phải ỉu xìu bỏ cuộc.
Còn bây giờ, Amazon Global Selling Việt Nam đã có đội ngũ nhân viên Việt Nam hỗ trợ, có dịch vụ video calll để có thể giải đáp cho người dùng mọi lúc mọi nơi; cùng nhiều tài liệu được Việt hóa, giúp việc đăng ký tài khoản nhanh và đỡ phức tạp hơn trước đây. Nhờ thế, tỷ lệ tham gia bán hàng xuyên biên giới qua nền tảng Amazon đã cao hơn.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Amazon Global Selling Việt Nam không tiết lộ doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp Việt trên sàn Amazon trong năm 2022 và các năm trước.
NHỮNG BÀI HỌC QUÝ GIÁ CHO CÁC ĐỐI TÁC BÁN HÀNG
Ở khía cạnh khác, bước qua những năm đại dịch, dễ dàng nhận ra sự thay đổi rõ nét về hành vi mua sắm của người dùng và sự chuyển dịch về nhóm ngành hàng được chọn mua nhiều nhất trên các gian hàng của Amazon toàn cầu.
Xu hướng thay đổi này cũng phản ánh qua danh mục Top 5 ngành hàng từ các nhà bán hàng Việt Nam bán chạy nhất trên Amazon trong năm 2022, gồm: Dụng cụ nhà bếp, Đồ gia dụng, May mặc, Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân, Tiện ích gia đình. Một vài gương thành công có thể kể đến: Sunhouse, Lafooco, ChicnChill, AnEco…
Hướng đến năm 2023, Amazon Global Selling vừa công bố nhóm danh mục sản phẩm nổi bật có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ thời gian gần đây, và được kỳ vọng là những ngành hàng tiềm năng dành cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá và thành công: Nội thất & Trang trí nhà cửa, Sản phẩm dệt may & Phụ kiện, Nhu yếu phẩm và Quà tặng.
Hiện tại, trên Amazon, các SMEs và cá nhân Việt Nam có thể bán hàng tới 21 thị trường so với 10 thị trường trước đây. Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng nhất và bán tốt nhất.
Đầu tiên, bởi Mỹ là quê hương của Amazon và traffic ở thị trường này rất cao; thứ hai, các luật định của Mỹ dù khá nghiêm ngặt – nhưng có một số ngành nghề vẫn dễ chịu hơn so với Nhật hoặc châu Âu; cuối cùng, nước Mỹ sử dụng tiếng Anh, thân thiện hơn các thị trường có ngôn ngữ không phổ biến khác như Nhật Bản.
Còn theo ông Gijae Seong, dù hàng gỗ nội thất và thực phẩm là 2 trong những thế mạnh của Việt Nam và khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên khắp toàn cầu, song khi xuất khẩu – ví dụ qua Mỹ, cũng phải lưu ý những hạn chế sau.
Về đồ gỗ - nội thất
Khi xuất khẩu qua Mỹ, đồ gỗ nội thất sẽ gặp ít thách thức hơn trong việc kiểm định nếu so với ngành thực phẩm. Vấn đề khó nhất của mảng này chính là logistics, bởi đồ gỗ - nội thất thường khá cồng kềnh, sẽ mất nhiều chi phí trong việc vận chuyển và lưu kho.
“ Giải pháp mà Amazon đưa ra để giúp các nhà sản xuất đồ gỗ - nội thất giảm thiểu chi phí logistics là đưa nhiều sự chọn lựa nhà cung cấp dịch vụ logistic, đồng thời khuyến khích họ sắp xếp hoặc tháo gỡ để làm sao diện tích, trọng lượng sản phẩm nhỏ/nhẹ nhất có thể.
Cách đây 2 tháng, ở Mỹ, Amazon đã ra mắt dịch vụ mới Lưu trữ dài hạn – viết tắt là AWD để phục vụ những nhà bán sản phẩm cồng kềnh và tần suất đặt hàng không phải thường xuyên – 1 vài tuần hoặc 1 tháng mới có 1 đơn. Cụ thể: thay vì sử dụng dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng (FBA) tốn chi phí rất cao, thì khách hàng có thể đặt sản phẩm ở kho lớn khi sử dụng dịch vụ AWD, rồi khi có đơn hàng mới dùng dịch vụ FBA.
Với quy trình mới này, chi phí logisitic của nhóm khách hàng đồ gỗ - nội thất sẽ được tối ưu hơn ”, ông Gijae Seong khuyến nghị.
Về ngành thực phẩm
đây là sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, nên thường được các nước tiên tiến đặt ra những tiêu chuẩn rất cao. Thực phẩm muốn đi thị trường Mỹ phải có chứng nhận FDA và đi châu Âu phải có chuẩn chất lượng châu Âu. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa của ngành thực phẩm so với các ngành hàng khác – ví dụ như gỗ nội thất, là hạn sử dụng ngắn.
Ngoài ra, với ngành hàng gạo, những bao gạo có khối lượng 5kg và 10kg sẽ tốn chi phí logistics đáng kể trong khi giá bán lại không cao; lắm lúc xuất khẩu xong, bán được hàng cũng sẽ không có lời. Giải pháp của một vài doanh nghiệp là chọn hàng cao cấp – như gạo organic, có thể bán với giá cao khiến giá logistics chỉ chiếm một phần nhất định trong tổng giá.
“ Còn về vấn đề giá bán nông sản Việt ở thị trường Mỹ qua kênh offline hay kênh online Amazon ai cao hơn thì tôi không thể biết được.
Tuy nhiên, muốn bán offline ở thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp nông sản nói riêng, cần đầu tư một số vốn nhất định, có mối quan hệ và có sẵn thương hiệu; điều này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực. Còn với doanh nghiệp SMEs hoặc cá nhân, thì nền tảng Amazon vẫn là lựa chọn khả dĩ hơn là tự mình đến Mỹ bán trực tiếp ”, CEO Amazon Global Selling Việt Nam kết luận.