Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"So găng" 10 doanh nghiệp niêm yết nộp thuế lớn nhất Việt Nam

Trong danh sách 10 doanh nghiệp niêm yết nộp thuế lớn nhất có nhiều tên tuổi đáng chú ý như Vinamilk, Vinhomes, Sabeco, Hoa Sen Group.

Tổng cục Thuế mới đây đã ban hành Công văn số 3786/TCT-KK công khai danh sách V1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất trong năm 2021.

Theo danh sách này, 10 doanh nghiệp niêm yết nộp thuế lớn nhất bao gồm: CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM), Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS), CTCP Thế Giới di động (MWG), CTCP Vinhomes (VHM), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Chứng khoán SSI (SSI), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (SAB), CTCP Viễn Thông FPT (FOX), Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).

Đầu tiên là CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) – doanh nghiệp ngành thực phẩm có giá trị nhất Việt Nam năm 2022 với vốn hóa thị trường hiện ở mức 154.866 tỷ đồng và vốn điều lệ là 20.899 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước (36%), F&N Dairy Investments PTE.LTD (17,69%), Platinum Victory Pte. Ptd (10,62%), Jardine Matheson Limited (10,62%).

Hiện tại, Vinamilk đang sở hữu 12 công ty con, trong đó có 5 thành viên tại nước ngoài, gồm Miraka Holdings Limited (New Zealand); Driftwood Dairy Holdings Corporation (Mỹ); Angkor Dairy Products Co.,Ltd. (Campuchia), Lao-Jagro Development XiengKhouang Co.,Ltd. (Lào), Del Monte Vinamilk Dairy Philippines Inc. (Philippines).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu đạt 28.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.386 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 45,1% và 44,9% kế hoạch năm. Tổng tài sản của doanh nghiệp này tính đến cuối quý 2/2022 ở mức 53.842 tỷ đồng.

Với Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS), cổ phiếu công ty này kết thúc phiên 17/10 tại 111.500 đồng/CP, tương đương vốn hóa thị trường là 213.405 tỷ đồng.

GAS là doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí với vốn điều lệ ở mức 19.139 tỷ đồng do PVN nắm giữ 95,76% VĐL, trong ba quý đầu năm 2022, GAS dự kiến đạt 76.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 30% so với cùng kỳ) và 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 61,8% so với cùng kỳ). Cho cả năm 2022, Ban lãnh đạo GAS ước tính doanh thu và LNTT sẽ lần lượt đạt 100.000 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ) và 15.500 tỷ đồng (tăng 38,4% so với cùng kỳ). Tổng tài sản doanh nghiệp này tính đến cuối quý 2/2022 cũng đã ở mức 88.539 tỷ đồng.

Với CTCP Thế Giới di động (MWG), trong 8 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3.176 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Được biết, trong năm 2022, Thế giới Di động đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Kết thúc 8 tháng đầu năm, công ty hoàn thành lần lượt 66% và 50% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

MWG là doanh nghiệp top đầu trong ngành bán lẻ với vốn hóa thị trường hiện đạt 84.154 tỷ đồng, vốn điều lệ là 14.638 tỷ đồng còn tổng tài sản tính đến tháng 6/2022 ở mức 59.216 tỷ đồng.

Trong khi đó, SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá kết phiên 17/10 ở mức 185.100 đồng/CP, tăng 26% so với hồi đầu năm, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 117.675 tỷ đồng còn vốn điều lệ đạt 6.412 tỷ đồng.

Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Ngoài ra, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN. Hiện nay, ThaiBev nắm 54% cổ phần của Sabeco, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC) nắm 36%, 10% còn lại do các nhà đầu tư ngoại khác nắm giữ.

Về phần mình, CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lâu nay được biết đến là doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam với vốn hóa thị trường tại ngày 17/10 là 215.541 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng tài sản Vinhomes ở mức 299.562 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 129.348 tỷ đồng, còn vốn điều lệ của VHM ở mức 43.543 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 66,66%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinhomes ghi nhận 13.453 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 67%; lợi nhuận sau thuế 5.347 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu 75.000 tỷ đồng doanh thu và 30.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, VHM mới hoàn thành 18% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Cùng hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Phát Đạt ghi nhận 1.479 tỷ đồng doanh thu thuần và 688 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 31% và 38% so với cùng kỳ. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.908 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của Phát Đạt ở mức 23.518 tỷ đồng, tăng 14% so với số đầu năm, hàng tồn kho trên 13.100 tỷ đồng, chiếm 55,7% tổng giá trị tài sản. Đáng chú ý, PDR cho biết tổng quỹ đất tập đoàn nắm trong tay lên đến hơn 7.400ha và vốn hóa thị trường tại ngày 17/10 là 32.675 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp lớn của ngành thép góp mặt trong danh sách này là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Trong quý II/2022 (tức quý III trong niên độ tài chính của Hoa Sen), tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ ghi nhận doanh thu thuần 12.177 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các loại chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen quý vừa qua giảm 84% so với cùng kỳ 2021, còn 265 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của HSG đạt 23.078 tỷ đồng, còn vốn điều lệ đạt 4.934 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (19,87%) và ông Lê Phước Vũ (17,02%). Kết phiên ngày 17/10, thị giá HSG ở mức 14.050 đồng/CP, tương đương vốn hóa thị trường là 8.134 tỷ đồng.

Đại diện nhóm chứng khoán có CTCP Chứng khoán SSI (SSI) - doanh nghiệp đang giữ gần 10% thị phần môi giới trên HoSE với vốn hóa thị trường ở mức 25.687 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SSI là 3.538 tỷ đồng và 1.375,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 10,6% và 11,7% so với 6 tháng đầu năm 2021. Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 10.330 tỷ đồng và 4.370 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, như vậy, sau nửa đầu năm công ty này đã hoàn thành 34,2% doanh thu và 81% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của SSI ở mức 42.752 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm, chiếm chủ yếu là các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) 17.433 tỷ đồng.

Góp mặt trong danh sách doanh nghiệp niêm yết nộp thuế lớn còn có CTCP Viễn Thông FPT (FOX) - một trong số 3 nhà cung cấp dịch vụ fixed line Internet hàng đầu tại Việt Nam. Hiện công ty này có số vốn điều lệ 3.283 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông rất cô đặc khi thành phần cổ đông gồm Tổng Công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (50,17%) và Công ty cổ phần FPT nắm 45,66%.

Năm 2022, FPT Telecom lên mục tiêu doanh thu đạt 14.560 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.250 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/10, thị giá cổ phiếu FOX là 61.500 đồng/CP, vốn hóa thị trường đạt 21.900 tỷ đồng.

Các tên cuối cùng trong danh sách 10 doanh nghiệp niêm yết nộp thuế lớn nhất là Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)- Ông trùm sân bay với vốn hóa thị trường hiện ở mức 184.842 tỷ đồng.

ACV đang quản lý 22 sân bay trên địa bàn cả nước, bao gồm những nút giao thông trọng yếu như cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, … Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần đạt 5.538 tỷ, lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ. Năm nay, đại hội cổ đông của ACV đề ra mục tiêu tổng doanh thu 10.294 tỷ đồng và lãi trước thuế 2.566 tỷ.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của ACV ở mức 55.831 tỷ đồng còn vốn điều lệ đạt 21.771 tỷ đồng với hơn 95% vốn thuộc sở hữu của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...