Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẵn sàng nguồn lực cho làn sóng FDI lĩnh vực bán dẫn

Bắt đầu từ cuối năm 2023 và sang năm 2024, các ông lớn lĩnh vực bán dẫn sẽ đổ bộ vào Việt Nam tạo nên làn sóng mới và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm nay. Vấn đề hiện nay là cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực để đón làn sóng này như thế nào?

Sẵn sàng nguồn lực cho làn sóng FDI lĩnh vực bán dẫn

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ được đào tạo để tiếp cận làn sóng FDI lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Mai Lan

Sức hút Việt Nam

Trong năm 2023, chip bán dẫn trở thành tâm điểm với hàng loạt cơ hội mở ra với Việt Nam khi tham gia sâu vào thị trường toàn cầu trị giá khoảng 1.400 tỉ USD (Gartner ước tính tới năm 2029). Hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đã đặt nhà máy, mở rộng đầu tư và cam kết tiếp tục đồng hành lâu dài cùng Việt Nam trong lĩnh vực này.

Năm 2006, Tập đoàn Intel bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, đánh dấu cột mốc đầu tiên của việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn. 15 năm sau, với khoản đầu tư 1,5 tỉ USD, Intel trở thành doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên khánh thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới tại nước ta. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu này của Mỹ vẫn thể hiện cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với Lao Động, bà Sara Kemp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Intel - cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được sự cấp bách của việc tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu và có kế hoạch rất rõ ràng về những mục tiêu cần đạt được. Intel là một ví dụ. Tổng sản lượng của nhà máy tại Việt Nam đang chiếm hơn 50% sản lượng trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên toàn cầu".

Không riêng Intel, nhiều "đại bàng" khác cũng đã đẩy mạnh rót vốn Việt Nam trong năm vừa qua. Tháng 10.2023, Tập đoàn Amkor khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam với tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là 1,6 tỉ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Bắc Ninh. Amkor kỳ vọng đưa Bắc Ninh trở thành một trong những điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới. Hay Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) cũng khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) vào hồi tháng 9 với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD. Đơn vị này có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên hơn 1 tỉ USD vào năm 2025.
Ba lần đến Việt Nam trong năm 2023, ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ - đều bị ấn tượng bởi nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để thu hút thêm dòng vốn FDI. Ông nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm một đối tác thân thiện, một "tay chơi" lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đó là lý do tại sao Việt Nam đóng vai trò quan trọng như vậy".

Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ, đây chính là lúc Việt Nam gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để đón làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Hải Đăng

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Hải Đăng

Không chuẩn bị nhân lực sẽ lỡ cơ hội

Theo một báo cáo của Technavio, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến, tăng 1,65 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua.

Chính phủ đã xác định bán dẫn là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học - công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực đang là vấn đề khá lớn. Tại nhiều diễn đàn, các báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho thấy nhu cầu nhân lực CNTT, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Hiện Bộ TTTT đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Định hướng chủ yếu là phát triển công nghiệp bán dẫn trong một hệ sinh thái, kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành bán dẫn, ưu tiên thu hút các công đoạn có giá trị gia tăng cao và Việt Nam có thể tự lực ở một số công đoạn trong chuỗi công nghiệp bán dẫn (như thiết kế, kiểm thử, đóng gói); kết hợp phát triển bán dẫn, vi mạch và phát triển thiết bị điện tử…

Còn Thống kê của Bộ GDĐT cho biết, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành này. Còn theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%. Mỗi năm chỉ có khoảng 500 - 600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam.

Để gia tăng nhanh số kỹ sư tốt nghiệp ngành bán dẫn, các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Một tin vui là từ năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn.Còn tại Đà Nẵng, Trường học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024 với nhiều nội dung, chính sách hỗ trợ người học, học bổng dành cho thí sinh có kết quả cao, trong đó có ngành thiết kế vi mạch bán dẫn lần đầu tiên được mở đào tạo tại khu vực miền Trung. VKU dự kiến, tuyển sinh mới từ năm 2024 - 2027 khoảng 500 chỉ tiêu, chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Từ năm 2028 trở đi, trường sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Bộ GDĐT cho biết, đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn. Trong năm 2024, sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên.

Ngày 8.1, tại Đại học Thủ Dầu Một diễn ra lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên. Khóa đào tạo kéo dài 4 tháng từ 8.1-8.5.2024. Về quy hoạch đất đai cho công nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết, Bình Dương sẽ dành 1.500ha để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Trong đó có 250ha để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, đây sẽ là vùng lõi của nghiên cứu phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ gắn với khu thành phố mới Bình Dương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết