Lào Cai đầu tư xây dựng 18 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa, Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Lào Cai, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn giai đoạn 2022 - 2030, trong đó có 8 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được quy hoạch trên diện tích gần 49.000ha tại các địa phương, tổng vốn đầu tư trên 2.843 tỷ đồng.
Đề án nhằm phát huy chức năng, giá trị đa dụng của rừng phòng hộ đầu nguồn và các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa của người dân trong vùng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo nguồn thu bền vững cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa phương.
Tại Sa Pa, đề án triển khai trên diện tích gần 16.000 ha, do Ban Quản lý rừng phòng hộ thị xã Sa Pa quản lý với mục tiêu thu hút ít nhất 5 nhà đầu tư thuê môi trường rừng. Sa Pa có 9 điểm được quy hoạch khu sinh thái, nghỉ dưỡng để thu hút đầu tư, phát triển du lịch gồm: Đồi Thông, Đồi Ly, Suối Để, Suối Hồ, Thác Bạc, Đồi Cháy, Núi Hàm Rồng, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn với mục tiêu đón trung bình 50.000 đến 100.000 lượt khách/năm. Tỷ lệ du khách ở lại lưu trú qua đêm chiếm hơn 28%, doanh thu thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 780 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động.
Về thị trường, đề án duy trì khách quốc tế truyền thống từ Tây Âu, Australia; tiếp tục mở rộng các thị trường Đông Bắc Á, ASEAN; phát triển thử nghiệm thị trường mới Bắc Mỹ, châu Mỹ La tinh, Trung Đông, Đông Âu... Đối với thị trường nội địa, Sa Pa ưu tiên phát triển thị trường du lịch trọng điểm như Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; mở rộng thị trường từ các trung tâm phân phối khách lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế.
Với mục tiêu xây dựng Khu bảo tồn tự nhiên Hoàng Liên Văn Bàn thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, chuyên nghiệp, có thương hiệu, huyện Văn Bàn có 3 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được quy hoạch là: Điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Đèo Khau Co, Sinh Cha Pao và đỉnh Nam Kang Ho Tao trên diện tích 24.718 ha do Ban Quản lý Khu Bảo tồn tự nhiên Hoàng Liên Văn Bàn quản lý và toàn bộ diện tích vùng đệm của khu bảo tồn trên địa bàn 10 xã: Nậm Xé, Nậm Xây, Minh Lương, Dương Quỳ, Thẩm Dương, Nậm Chày, Nậm Tha, Khánh Yên Hạ, Khánh Yên Trung, Liêm Phú.
Đề án đặt mục tiêu, các điểm du lịch trên của Văn Bàn thu hút được ít nhất 10.000 lượt khách/năm; tỷ lệ du khách lưu trú qua đêm chiếm hơn 30%; tổng thu từ hoạt động du lịch sinh thái hằng năm ước đạt 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 300 lao động trực tiếp và gián tiếp.
Thành phố Lào Cai có 6 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được quy hoạch trên toàn bộ diện tích 8.198ha rừng và đất lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ thành phố Lào Cai quản lý. Đó là các điểm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Đồi Nhạc Sơn, Công viên văn hóa Bắc Cường, Đông Phố Mới, Dông 400 Vạn Hòa, Thác Nậm Rịa và Tả Phời với mục tiêu hằng năm thu hút được khoảng 10.000 lượt khách du lịch. Tổng thu từ hoạt động du lịch sinh thái và các hoạt động liên quan đạt khoảng 6 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho trên 250 lao động địa phương và trên 1.800 lao động gián tiếp.
Các loại hình du lịch chủ đạo được quy hoạch tại 18 điểm trên gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa địa phương; du lịch nghiên cứu khoa học - khám phá thiên nhiên...; đảm bảo tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; môi trường du lịch, an ninh, an toàn tại các điểm du lịch được kiểm soát.
Lào Cai tiếp tục khẳng định sức hút mạnh mẽ trên bản đồ du lịch khi đón hơn 4 triệu lượt du khách trong 4 tháng của năm 2025; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 13.600 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2024. Việc quy hoạch và xây dựng 18 điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đến năm 2030 cho thấy dư địa phát triển các loại hình du lịch của Lào Cai còn rất đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng, cần được khai thác hợp lý, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương./.
Hương Thu