Bảo đảm tính liên tục và hiệu quả cho quan hệ song phương Việt Nam - Liên bang Nga
Nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (1950-2025), sáng 24/4 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam - Liên bang Nga: Quá khứ, hiện tại, tương lai”. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu từ các cơ quan ngoại giao, viện nghiên cứu, trường đại học cùng nhiều chuyên gia, học giả hai nước.
Hội thảo là dịp đánh giá những thành tựu và hạn chế trong chặng đường 75 năm quan hệ song phương; đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động.
Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ Việt - Nga luôn được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin cậy chính trị, đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, hai nước không ngừng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Hội thảo lần này là cơ hội quan trọng để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách hai nước chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các định hướng hợp tác thực chất, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennadiy Bezdetko khẳng định, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, quan hệ Việt - Nga tiếp tục được củng cố, phát triển trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, tình hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện. Hiện nay, hai nước đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Liên bang Nga, dự kiến diễn ra tháng 5 tới. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng, thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới. Đại sứ cũng cho biết, cuối năm 2025, hai bên sẽ tổ chức Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật nhằm thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời mở rộng sang những lĩnh vực tiềm năng mới. Đại sứ đánh giá cao vai trò của cộng đồng khoa học và các cơ sở đào tạo hai nước trong việc duy trì kết nối hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau dự báo các xu thế toàn cầu và đóng góp khuyến nghị chính sách cho chính phủ hai nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Andrey Margolin, Phó Giám đốc Học viện Tổng thống Liên bang Nga cho rằng, thế giới hiện đang chuyển dịch từ trật tự đơn cực sang mô hình đa trung tâm. Trong bối cảnh đó, Nhóm BRICS- các nền kinh tế mới nổi lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nổi lên như một lực lượng thúc đẩy hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ lợi ích quốc gia của các nước đang phát triển. Giáo sư Andrey Margolin cho rằng, những thách thức toàn cầu như bất bình đẳng, tiêu dùng quá mức và khủng hoảng môi trường đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận phát triển. Giải pháp được đặt ra là phát triển bền vững theo các nguyên tắc ESG (môi trường, xã hội, quản trị), trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự trong đổi mới mô hình quản trị và nâng cao chất lượng đầu tư, đào tạo. Đây là yếu tố nền tảng để bảo đảm chủ quyền, an ninh và sự thịnh vượng lâu dài cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trình bày về thể chế khu vực và cơ hội hợp tác, Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới nhận định, trong bối cảnh trật tự khu vực và toàn cầu đang tái định hình, hai nước cần tận dụng làn sóng hội nhập đa tầng để thúc đẩy hợp tác thực chất. Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường cho rằng, Việt Nam và Liên bang Nga cần ưu tiên các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, việc phát triển các cơ chế hợp tác thể chế, liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp hai bên sẽ là yếu tố quan trọng bảo đảm tính liên tục và hiệu quả cho mối quan hệ song phương trong thời gian tới.
Phân tích sâu hơn về nền tảng quan hệ Việt - Nga, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ cho biết, quan hệ hai nước được kế thừa từ mối quan hệ hữu nghị, liên minh truyền thống giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây. Trải qua nhiều thập kỷ, quan hệ Việt - Nga luôn được duy trì và phát triển thông qua các khuôn khổ hợp tác chiến lược, không có xung đột lợi ích và được xây dựng trên nền tảng tin cậy lẫn nhau.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Chiến Thắng, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt và các biện pháp trừng phạt ngày một phức tạp, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chiến lược đối ngoại cân bằng, chủ động và linh hoạt. Để bảo đảm lợi ích lâu dài, Việt Nam cần chọn lọc các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như quốc phòng, năng lượng, công nghệ và giáo dục, đồng thời ứng phó phù hợp với các biến động chính trị, kinh tế quốc tế mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược với Liên bang Nga.
Các tham luận tại Hội thảo đều nhận định, 75 năm quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga là chặng đường nhiều ý nghĩa, được xây dựng bằng nền tảng lịch sử, sự tin cậy lẫn nhau và lợi ích phát triển chung. Trong bối cảnh mới, hai nước cần tiếp tục phát huy vai trò của Đối tác chiến lược toàn diện, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới./.
Lý Thanh Hương