Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Chiều 26.6.2024, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.

Làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Tại các cuộc hội kiến, hai bên nhất trí làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Trước đó, sáng 26.6, tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên thảo luận theo hình thức ăn sáng làm việc với Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF - theo Báo Chính phủ.

Trọng tâm của phiên thảo luận là tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam; tập trung vào chuyển đổi số, công nghệ cao, chuyển đổi xanh và vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giáo sư Klaus Schwab cho biết, WEF rất vui mừng có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam - ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới.

Ông Brand Cheng, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Foxconn nhắc lại tại cuộc gặp vào tháng 1 năm ngoái, ông đã báo cáo Thủ tướng về việc đặt thêm nhà máy tại Việt Nam và nhà máy này đã sản xuất vào tháng 4 vừa qua. Đây là ví dụ cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bao đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thông qua các nhóm giải pháp lớn.

Trước hết, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, giữ ổn định tỉ giá phù hợp.

Việt Nam cũng chủ trương đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các FTA đã có, các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, ủng hộ thúc đẩy tự do hóa thương mại. Việt Nam tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, trong đó, xác định thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho sự phát triển.

Về hạ tầng, Việt Nam phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, trong đó có các trung tâm, cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng phát triển xanh, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu) và hạ tầng mềm.

Về nhân lực, với quan điểm coi con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, Việt Nam chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Liên quan tới cung ứng điện, Thủ tướng cho biết, năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, nhưng sang năm 2024, mặc dù sản lượng điện tiêu thụ tăng tới 15%, có những ngày vượt 1 tỉ kWh/ngày, cao nhất trong lịch sử, song cung ứng điện vẫn được bảo đảm. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện, với các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện. Đơn cử như tải điện, các đường dây 500kV trước đây phải làm trong 2 năm, thậm chí 4 năm, nhưng hiện nay chỉ mất khoảng 6 tháng.

Cùng với đó, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Trưa 26.6, ngay sau khi kết thúc các hoạt động trong khuôn khổ WEF Đại Liên 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) tới Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Chiều cùng ngày, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết