Khi dòng tiền bắt đầu khỏe hơn, 3 nhóm ngành nhà đầu tư cần chú ý
Khi dòng tiền đầu cơ và dòng tiền sử dụng đòn bẩy bắt đầu khỏe hơn sẽ chuyển đến nhóm Midcap và Smallcap. Giai đoạn sau của thị trường sẽ phản ánh điều này và đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư...
Năm 2023, dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đã có 206 mã cổ phiếu vượt đỉnh so với năm 2022 theo quy mô vốn hóa, VN-Index cũng đã tạo đáy vững chắc vào tháng 11/2023 tại mức 912 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn đã chảy mạnh vào thị trường chứng khoán năm 2023. Đây là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho thị trường chứng khoán năm nay bứt phá.
Theo giới phân tích, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đã bắt đầu tạo đáy vào quý IV/2022 và quý I/2023 giúp nhiều nhóm ngành đi lên. Hơn nữa, dòng vốn ngoại vẫn đang dành sự quan tâm lớn, "chực chờ" tìm kiếm cơ hội chảy vào thị trường chứng khoán Việt.
Mặt khác, định giá VN-Index đang về khoảng 14,3-14,5 lần, là mức định giá nằm ở nửa dưới của đường trung bình của VN-Index trong 20 năm trở lại đây.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), dòng tiền trong thời gian qua tương đối khỏe và bền vững. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng về sự cải thiện của nền kinh tế và sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp, không còn thấy những rủi ro về suy thoái kinh tế hay vỡ nợ ngân hàng xảy ra như dự báo trước đó nên đã thúc đẩy dòng tiền lành mạnh, và hiện tại nhà đầu tư vẫn chưa sử dụng nhiều đòn bẩy. Có thể trong giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu nhìn thấy dòng tiền đầu cơ mạnh hơn, khiến thanh khoản gia tăng hơn.
Khi dòng tiền đầu cơ và dòng tiền sử dụng đòn bẩy bắt đầu khỏe hơn sẽ chuyển đến nhóm Midcap và Smallcap. Giai đoạn sau của thị trường sẽ phản ánh điều này và đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư.
Về nhóm ngành khả quan, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol chia ra làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất liên quan tới triển vọng dài hạn và thế mạnh đặc thù của các ngành sau trong tiến trình hồi phục của nền kinh tế: Nhóm về công nghệ thông tin, nhóm ngành hỗ trợ liên quan đến FDI, ví dụ như khu công nghiệp và nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy chi tiêu công và tăng đầu tư hạ tầng. Hiện nay, nhóm ngành này đã mua nhiều với mức định giá đã gia tăng, nhưng về mặt cải thiện lợi nhuận thì vẫn còn câu chuyện và triển vọng lâu dài.
Nhóm thứ hai là nhóm xuất nhập khẩu, dù vẫn còn những thách thức nhưng đang đi lên từ nền thấp. Các doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới như dệt may, da giầy…
Nhóm thứ ba là nhóm bất động sản, nhưng nhóm này vẫn còn là một ẩn số. Mặc dù các luật sửa đổi đã được thông qua cùng những chính sách hỗ trợ khác nhưng thực sự có khiến thị trường bất động sản khởi sắc lại sớm hay không thì vẫn là một dấu hỏi.
Ngoài ra, câu chuyện về tỷ giá của năm nay sẽ khó hơn năm ngoái, bởi vì khi hồi phục về xuất nhập khẩu, thông thường Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng tốc độ nhập khẩu nhiều hơn, dẫn đến nhập siêu nhiều hơn. Do vậy, dự báo áp lực lên tỷ giá sẽ lớn hơn và như vậy một trong những cách mà Ngân hàng Nhà nước có thể làm giảm áp lực tỷ giá là tăng lãi suất…
"Tuy nhiên, do diễn biến chậm chạp của nhóm này cùng với mức nền thấp sẽ khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có sức bật hơn các ngành khác trong thời gian tới", ông Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Linh Đan