Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn quốc tế

Tính đến hết tháng 11 năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ (svck) năm 2023. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu, và khu vực Đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định sức hút với các dự án lớn.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút vốn FDI

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2024, cả nước có 3.035 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,6% svck), tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD (tăng 0,7% svck); 1.350 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9,93 tỷ USD (tăng 40,7% so với cùng kỳ); và 3.029 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD (giảm 39,7% so với cùng kỳ).

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn quốc tế
Đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2024 theo tháng

Lũy kế đến tháng 11/2024, cả nước có 41.720 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo cơ cấu ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã hiện diện trong 19/21 ngành kinh tế quốc dân, với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm vị trí áp đảo. Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này đạt hơn 299,8 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 72,5 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn quốc tế
Cơ cấu đầu tư nước ngoài 11 tháng đầu năm 2024 theo ngành

Xét theo đối tác đầu tư, có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 82,3 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng "hút" dòng vốn quốc tế

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Đồng bằng sông Hồng duy trì vị trí thứ nhất về tổng vốn đăng ký với 989 dự án mới, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 8.603 triệu USD. Điểm nhấn của vùng này là số vốn đăng ký tăng thêm vượt trội, đạt 5.451 triệu USD, cao nhất cả nước.

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn quốc tế
Đồng bằng sông Hồng có số vốn đăng ký tăng thêm trong 11 tháng đầu năm vượt trội, đạt 5.451 triệu USD, cao nhất cả nước.

Tổng vốn FDI khu vực đạt 15.342 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, cho thấy sức hút mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý chiến lược và sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh. Đây tiếp tục là vùng kinh tế quan trọng trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư lâu dài.

Vùng Đông Nam Bộ ở vị trí thứ 2 với 1.658 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký mới đạt 4.279 triệu USD. Ngoài ra, khu vực này ghi nhận số lượt góp vốn mua cổ phần nhiều nhất, với 2.390 lượt, đạt giá trị 1.942 triệu USD. Với cơ sở hạ tầng hiện đại, chính sách hỗ trợ hiệu quả, Đông Nam Bộ vẫn là một trong những "đầu tàu" trong thu hút vốn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai,…

Tuy nhiên, tổng vốn FDI của vùng chỉ đạt 8.311 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ cho thấy áp lực cạnh tranh trong thu hút dự án lớn từ các khu vực khác.

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn quốc tế
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự ổn định hơn với tổng vốn đăng ký 11 tháng đầu năm đạt 1.223 triệu USD, tăng nhẹ 1.6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung ghi nhận mức tăng trưởng FDI ngoạn mục với tổng vốn đăng ký đạt 3.711 triệu USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ, số dự án cấp mới đạt 144 dự án. Trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận tổng vốn FDI đạt 2.226 triệu USD, giảm mạnh 37,8% so với cùng kỳ. Khu vực chỉ có 115 dự án cấp mới, với vốn đăng ký tăng thêm và góp vốn mua cổ phần lần lượt đạt 818 triệu USD và 49,24 triệu USD.

Đáng chú ý, Tây Nguyên chỉ có 3 dự án mới với vốn đăng ký cấp mới là 17,18 triệu USD, nhưng tổng vốn đăng ký đạt 567 triệu USD, tăng ấn tượng gần 900% so với cùng kỳ với đóng góp chính từ Đăk Lăk và Gia Lai.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy sự ổn định hơn với tổng vốn FDI đạt 1.223 triệu USD, tăng nhẹ 1.6% so với cùng kỳ năm trước. Với 126 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký mới đạt 696 triệu USD.

Thời gian tới, Chứng khoán Vietcap kỳ vọng lượng vốn FDI giải ngân của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định nhờ sự tiếp diễn của xu hướng đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc của các công ty nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, các lợi thế cơ bản của Việt Nam (bao gồm vị trí địa lý, các hiệp định tự do thương mại, cùng với chi phí lao động và các lợi thế khác).

Bên cạnh đó, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao gần đây giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp, UAE, và Malaysia, cùng với tiềm năng nâng cấp quan hệ ngoại giao với Singapore vào năm 2025 cũng một phần hỗ trợ cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Tiến Nam

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...