|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin môi trường số 4/2021

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng cường phối hợp, triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; trọng tâm là bảo vệ hành lang bờ biển, ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương, tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

Tăng cường triển khai công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang khẩn trương thực hiện lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh minh họa

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục từ nay đến hết năm 2021. Để thực hiện được mục tiêu trên, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất Bộ TN&MT tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tại Trung ương và địa phương, trọng tâm là bố trí kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ có liên quan về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị chuyên dùng; kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý tạo cơ chế chính sách thu hút ngành nghề phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trên biển.

Bên cạnh đó, Tổng cục tăng cường phối hợp, triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trọng tâm là bảo vệ hành lang bờ biển, ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương, tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

Để thực hiện việc thanh tra, kiểm soát, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về TN&MT biển tại các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang khi hết dịch Covid-19.

Các nước đang phát triển đề xuất kế hoạch về môi trường cho COP26

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland, Anh) vào tháng 11 năm nay, các nước đang phát triển đã đề xuất kế hoạch 5 vấn đề, được đại diện của hơn một nửa số quốc gia trên thế giới ủng hộ.

Theo đó, 5 vấn đề được đề cập bao gồm: cắt giảm khí thải; tài trợ; thích ứng; tổn thất, thiệt hại; thực hiện.

Về cắt giảm khí thải, mặc dù những tiến bộ, cải thiện gần đây rất đáng hoan nghênh nhưng nhìn chung vẫn chưa thể kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức giới hạn mà các Chính phủ đã đồng thuận tại Thỏa thuận Paris. Việc tăng cường các mục tiêu không phát thải do các quốc gia có trách nhiệm và năng lực lớn hơn là vô cùng cần thiết.

Cắt giảm lượng khí thải để hạn chế nóng lên toàn cầu

Về tài trợ, những cam kết của các nước phát triển về tài trợ ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020 và sẽ tăng số tiền tài trợ hàng năm kể từ năm 2025 đã không được hoàn thành. Điều này đòi hỏi cần được khắc phục gấp để tại COP26 tới đây các nước đang phát triển có thể tin tưởng các quốc gia giàu có hơn sẽ giữ cam kết về những điều sẽ đàm phán.

Về thích ứng, với các tác động khí hậu ngày càng gia tăng, cần có cam kết ít nhất 50% nguồn tài trợ sẽ dành cho biến đổi khí hậu để giúp những quốc gia dễ bị tổn thương thích ứng với tình trạng khó khăn, và cần được đánh giá lại một cách thường xuyên.

Về tổn thất, thiệt hại, việc các nước phát triển đã không cắt giảm lượng khí thải một cách thỏa đáng đã dẫn đến những tổn thất và thiệt hại vĩnh viễn cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Do đó, cần phải thừa nhận trách nhiệm và thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại như đã cam kết.

Về thực hiện, sau nhiều hội nghị thượng đỉnh bị đình trệ, tại COP26 sắp tới Chính phủ các quốc gia phải hoàn thiện nhiều biện pháp về minh bạch, giao dịch carbon và đặt ra khung thời gian chung là 5 năm để thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Phải nhấn mạnh rằng chúng ta phải đẩy tiến độ nhanh hơn bởi thời tiết cực đoan đang liên tục gây ra nhiều thương vong và tàn phá trên toàn cầu.

Bộ TN&MT họp bàn với WWF về chiến lược bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc trực tuyến với Tổng giám đốc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) toàn cầu Marco Lambertini về chương trình hợp tác giữa hai bên.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Tổng giám đốc WWF Marco Lambertini cùng nhau thảo luận các nội dung về việc xây dựng và thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học (NBSAP) và Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học (GBF); chuẩn bị cho việc tham dự Công ước Đa dạng sinh học (CBD COP15); Hội nghị về Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (UNFCCC COP26) và việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); đề xuất hợp tác và hỗ trợ thực hiện sáng kiến/mô hình điểm thực hiện “Cam kết của những Nhà lãnh đạo vì thiên nhiên”…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm việc trực tuyến với Tổng giám đốc WWF toàn cầu Marco Lambertini

Tổng giám đốc WWF Marco Lambertini nhận định, trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, những vấn đề về biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên đang bị cạn kiệt nhiều; mục tiêu cao nhất của WWF là phải có những kế hoạch, chiến lược để bảo tồn thiên nhiên cho thế hệ tương lai.

Ông Marco Lambertini đánh giá cao Chính phủ Việt Nam vì đã có những hành động cụ thể, tiên phong trong khu vực về chính sách bảo tồn thiên nhiên. WWF đang xây dựng mục tiêu toàn cầu về thiên nhiên trong đó ưu tiên mục tiêu “ngừng đánh mất tự nhiên” do đó rất cần các quốc gia có thay đổi tư duy, hành động tác động đối với thiên nhiên. Với những chính sách thay đổi kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, ông Marco Lambertini mong muốn Việt Nam sẽ ủng hộ những mục tiêu của WWF và thể hiện rõ hơn quan điểm của mình tại CBD COP15 tới đây.

Thanh Tâm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết