Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ trung bình tăng nhẹ đạt 73,7 tuổi nhưng thời gian sống với bệnh tật kéo dài hơn 10 năm

Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh. Trong đó, nam giới có 8 năm phải sống chung bệnh tật, và ở nữ giới là 11 năm.

Người Việt tăng tuổi thọ trung bình

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7 với chủ đề: "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững".

Tại buổi lễ, đại diện Cục Dân số cho biết, Việt Nam vừa vượt mốc 100 triệu dân. Tuổi thọ của người dân được nâng cao, đạt 73,7 tuổi năm 2023, đồng thời vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới. Tầm vóc, thể lực người dân có bước cải thiện.

Song, tuổi thọ người dân được cải thiện nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp, chỉ đạt 63,2 tuổi khỏe mạnh (với nam) và 70 tuổi ở nữ.

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ trung bình tăng nhẹ đạt 73,7 tuổi nhưng thời gian sống với bệnh tật kéo dài hơn 10 năm- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu khai mạc Lễ mít tinh

Một số nghiên cứu trong nước cho thấy, dù tuổi thọ tăng, nhưng người cao tuổi nam giới có 8 năm phải sống chung bệnh tật, và ở nữ giới, con số này là 11 năm. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ giảm chức năng sống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Cũng theo Cục Dân số, công tác dân số của nước ta vẫn còn những khó khăn, thách thức như: chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh; tỷ số giới tính khi sinh cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn chậm khắc phục.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều.

Một số bộ phận người dân vẫn còn tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai dẫn đến việc tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao, có xu hướng giảm nhưng không bền vững.

Thêm vào đó, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi…

Trước thực tế đó, các cấp chính quyền phải coi công tác dân số và phát triển là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, là nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.

Để tạo ra sự ổn định trong công tác dân số, theo ông Trần Văn Chung, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tham gia của các ngành, đoàn thể. Bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở.

"Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh", ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

3 yếu tố khiến người Việt "thọ nhưng yếu"

Bộ Y tế đưa ra 3 yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao.

Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ trung bình tăng nhẹ đạt 73,7 tuổi nhưng thời gian sống với bệnh tật kéo dài hơn 10 năm- Ảnh 2.

Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.

Thứ 2, sự gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm.

Thứ 3, sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về môi trường.

Theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy có tới gần 21% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, có 1/3 dân số từng tiếp xúc với khói thuốc lá. Có tới gần 2/3 nam giới uống rượu bia.

Đặc biệt, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp, gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO) và có tới gần 1/5 dân số bị thừa cân, béo phì.

Trong các nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm thì hút thuốc lá và thừa cân, béo phì là hai nguyên nhân hàng đầu.

Về chế độ dinh dưỡng của người Việt cũng gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe. Khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị (mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất, tương đương với 400g mỗi ngày).

Đặc biệt, có tới 78% dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối hoặc gia vị mặn vào món ăn. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, WHO khuyến nghị một người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay thì người Việt đang ăn gần gấp đôi khuyến nghị.

Theo Cục Dân số - Bộ Y tế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết