Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trần Thị Tú vượt nghịch cảnh

Tại ASEAN Para Games 2022, vận động viên khuyết tật Trần Thị Tú giành được Huy chương Vàng môn ném đĩa, Huy chương Đồng môn ném lao. Với cô, tình yêu và điểm tựa từ gia đình là nguồn động lực to lớn.

Trần Thị Tú vượt nghịch cảnh

Cô gái khuyết tật lấy gia đình nhỏ làm động lực thi đấu thể thao. Ảnh: Minh Dân

Trần Thị Tú sinh ra với thân hình lành lặn, gia đình nghĩ “đứa bé phát triển toàn diện như bao bạn đồng trang lứa khác”. Thế nhưng chẳng ai ngờ, năm 7 tuổi, gia đình phát hiện Trần Thị Tú  mắc căn bệnh u tủy sống. Việc phải ngồi trên xe lăn với đôi chân bị liệt hoàn toàn ở cái tuổi còn chạy nhảy, vui chơi đã khiến cô bé Tú và gia đình như sụp đổ.

Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn với gia đình Trần Thị  Tú khi phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đưa con đi chữa trị với tâm nguyện con sẽ khỏi bệnh. Cuối cùng sau hai năm, đôi chân cô con gái đã khỏe mạnh trở lại.

Thế nhưng, ông trời lại một lần nữa thử thách Trần Thị Tú ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái. Năm 19 tuổi, căn bệnh quái ác ấy một lần nữa quay trở lại.

“Khi ấy, bác sĩ nói rằng việc phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm. Nếu để như vậy thì chỉ liệt hai chân thôi, còn hai tay vẫn bình thường. Nhưng nếu ca mổ không thành công, một là mình sẽ không sống được, hai là sẽ bị liệt tứ chi”, Tú tâm sự.

Hiểu được mức độ nguy hiểm của căn bệnh, Tú và gia đình quyết định không thực hiện ca mổ và sống với đôi chân bị liệt hoàn toàn. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, cô gái quê Cà Mau quyết tâm rời quê hương lên Sài Gòn học tập. Tại đây, ông Trần Hoàng Minh - người đỡ đầu cho cho nhiều mảnh đời khuyết tật đã gặp và dìu dắt cô. Biết cô đam mê  thể thao, bác Minh đặt vấn đề giúp cô chọn lựa giữa bơi lội và điền kinh, phù hợp với thể trạng của mình.

Khi ấy, Trần Thị Tú quyết định chọn điền kinh và tập luyện chuyên nghiệp ở bộ môn ném tạ, ném lao và ném đĩa. Với một vận động viên khuyết tật, việc luyện tập là một thử thách rất lớn. Mỗi khi tập căng sức, đôi chân của  Tú lại đau nhức, đôi tay dùng nhiều sức lực cũng mỏi rã rời. Thế nhưng, ở bất kì bộ môn nào Tú cũng cho thấy cô là một vận động viên có tố chất và nỗ lực không biết mệt mỏi.

Cuối cùng, sau bao nỗ lực thì “quả ngọt” cũng đến với Trần Thị Tú. Ở Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 tại Indonesia, nữ vận động viên người Cà Mau đã xuất sắc mang về 1 tấm huy chương vàng môn ném đĩa, 1 tấm huy chương đồng môn ném lao. Mới đây, Trần Thị Tú tiếp tục “thống trị” tại giải vô địch điền kinh người khuyết tật toàn quốc 2022 khi giành 2 huy chương vàng ở môn ném đĩa và ném lao. 

Trần Thị Tú có một gia đình nhỏ hạnh phúc. “Chồng tôi luôn yêu thương và hết mực ủng hộ vợ. Đứa con đầu lòng của hai vợ chồng năm nay đã 11 tuổi rồi. Đây là nguồn động lực to lớn giúp tôi tiếp tục làm việc, thi đấu và cống hiến cho thể thao nước nhà”, Tú tâm sự. 

Là người khuyết tật thi đấu thể thao nên điều kiện ăn ở và luyện tập của Trần Thị Tú cũng như các vận động viên khác vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, song song với việc luyện tập và thi đấu, cô  cùng chồng đi làm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. 

Hằng ngày, cô làm thêm thiệp xoắn giấy tại nhà đến 16h và đi tập tới khoảng 19h. Sau đó trở về nhà, lại tất bật với công việc làm thiệp. Dù đôi lúc cảm thấy buồn vì không thể tập trung cho việc luyện tập nhưng chồng chính là người luôn động viên, cổ vũ và đỡ đần vợ trong mọi việc.

“Anh là người chăm lo kinh tế chính cho gia đình. Đôi lúc chị tập luyện nhiều quá, không thể có thời gian làm thêm bên ngoài thì anh vẫn luôn chăm chỉ làm việc phụ giúp gia đình. Anh là nguồn động viên rất lớn để chị theo đuổi đam mê thể thao, nâng cao sức khỏe và có thể đi nhiều nơi để giao lưu với nhiều bạn khuyết tật hơn nữa”, Tú chia sẻ.

Trước mắt vận động viên Trần Thị Tú vẫn còn rất nhiều chông gai, nhưng điểm tựa từ gia đình nhỏ chính là động lực để “cô gái vàng” tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết