Thất nghiệp 6 tháng nghỉ lễ 2/9 không dám về quê, Gen Z bật khóc nức nở vì tin nhắn của bố
Về quê đi, về quê là cảm giác không đâu sánh bằng vì…
Lễ 2/9 này, không phải ai cũng rộn ràng về quê. Bởi kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều người nhớ nhà nhưng không đành "chia tay" công việc, chưa kịp thu xếp, chưa thấy "bõ" cái nỗi nhớ nhà khi về quê chóng vánh.
Nhưng mà bạn ơi, lễ rồi, làm thế nào thì cũng phải về quê thôi!
Ở quê ngắn hay dài không quan trọng. Nghỉ 4 ngày nhưng lắc lư trên xe khách hết 1 ngày cũng không quan trọng. Miễn được khăn gói về với vòng tay cha mẹ, "tạm nghỉ" vai trò người thành đạt, sinh viên 5 tốt để làm con cái full-time dù chỉ ít ngày thôi cũng xứng.
Nghĩ đến tiếng mẹ mắng gọi dậy, nghĩ đến cơm gia đình đầy đủ món chứ không còn là tạm bợ những bữa mì tôm, bữa ăn từ cửa hàng tiện lợi, nghĩ đến những ngày "vô tri" không lo cơm áo gạo tiền. Còn mê hơn cả những giây phút chữa lành ở phố thị xa xôi, trong hàng quán cà phê check-in ngàn tấm nào đấy.
Về quê đi, về quê là cảm giác không đâu sánh bằng vì…
"Khi chính thức đi làm, lập gia đình tần suất mình về nhà sẽ ít đi. Mình rất sợ cảm giác đó…"
Rời Thái Bình để học tập và làm việc tại Hà Nội trong một năm, Phương Lan (SN 2005, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhân viên vận hành sàn thương mại điện tử tại Hà Nội, quê tại Thái Bình) dần thấm được "làm người lớn" trong môi trường văn phòng phải đánh đổi như thế nào.
Từ trước đến nay, mùa lễ nào hầu như bạn cũng dành ra bên gia đình. "Bạn bè Đại học dễ đi chơi, hẹn nhau và ngày thường cũng có thể đi cùng. Nhưng không có mấy dịp lễ để gần bố mẹ, anh chị em. Sinh viên chúng mình ai cũng mong muốn được ăn cơm nhà và mình cũng không ngoại lệ." - Lan dành thời gian về quê dù lễ ngắn hay dài.
Nhưng dạo gần đây, công việc của bạn bận rộn hơn bao giờ hết. Nhà chỉ cách Hà Nội khoảng 2-3 tiếng đi xe, nhưng đã rất lâu rồi bạn không được ăn cơm nhà.
Công việc của Phương Lan thường bận rộn vào cuối tuần, vì lịch làm nên bạn không biết thế nào là nghỉ ngơi. Đổi lại thu nhập khá, nhưng không thể lấp được sự tủi thân của Phương Lan khi phải xa gia đình.
Càng thêm buồn hơn khi đối với gia đình của Lan, dịp 2/9 vừa là nghỉ lễ, vừa gần ngày sinh nhật của 3 thành viên trong gia đình nên gia đình thường tổ chức lớn, đông hơn, vui hơn. Năm nay, khi biết có khả năng mình sẽ không được về nhà do công việc, Lan buồn nhiều:
"Lúc đầu (không về nhà thường xuyên) mình thấy không bất cập lắm. Nhưng rồi sau đó mình thường xuyên làm tối muộn mới về, không có thời gian gọi cho mẹ, vừa học vừa làm khiến mình dần sinh ra stress. Mình khóc nhiều vì vừa áp lực, vừa nhớ nhà.
Mình biết đó là điều mà bản thân phải đánh đổi, vì mình đang cố gắng tích góp để tự chi trả cho chi phí sinh hoạt của mình trên Hà Nội, tự lo cho bản thân để bố mẹ bớt gánh nặng tài chính. Nhưng riêng dịp lễ 2/9 này, khi stress lên đến đỉnh điểm, bất lực vì biết mình có thể sẽ không được gặp bố mẹ trong mấy tháng nữa, mình nhận ra mình cần chăm chỉ về nhà hơn, vì sau này khi chính thức đi làm, lập gia đình thì tần suất mình "về nhà" sẽ càng ít đi. Mình rất sợ cảm giác đó…"
Lan quyết tâm "ngắt kết nối" với cuộc sống sinh viên - nhân viên để về bên gia đình. Cảm xúc của bạn thay đổi hoàn toàn:
"Tâm hồn mình được thảnh thơi. Ở nhà cạnh bố mẹ mình không phải suy nghĩ sáng dậy mình làm gì, mình sẽ học tập và kiếm tiền như thế nào. Về quê mình còn được tâm sự với bố mẹ để trút gánh nặng tâm lý, và tận dụng thời gian của mình ý nghĩa hơn để giúp bố mẹ như dọn dẹp nhà, chăm cây cối, nấu ăn, đi thăm ông bà…"
Phương Lan đặt ra yêu cầu với chính bản thân mình, chắc chắn sẽ nhấn nút "tạm dừng" nhiều hơn vào những dịp lễ. Hơn cả những cuộc hội ngộ cần thiết cạnh người thân, bạn còn cảm nhận không gì có tác dụng "thiết lập lại" cảm xúc như những ngày dung dị ở Thái Bình sau chuỗi ngày vật lộn với cuộc sống hối hả xô bồ ở Hà Nội.
"Thế là hôm nay có đồ nóng để ăn, không cần đắn đo ăn gì"
Dù rất muốn "bỏ phố về quê" để trốn chạy khỏi guồng công việc hối hả tại thành phố, nhưng đến cả những chuyến đi về quê ngắn ngày, Thanh Hà (SN 1997, quản lý Marketing làm việc tại TP.HCM, quê Quảng Ngãi cũng không có.
Làm một quản lý cấp trung, lương cao nhưng công việc như "bán mạng" với những giờ làm việc dài đằng đẵng. Đã nhiều ngày lễ bạn không về quê vì ở lại thành phố hoàn thành công việc. Nhưng năm nay, sức khỏe của Thanh Hà đang đến mức báo động.
"Mình bị đau dạ dày mất ngủ suốt mấy ngày vì ăn uống lệch bữa do bận việc. Uống thuốc cũng chỉ đỡ đi một ít. Mình nghĩ đến lúc mình được nghỉ ngơi tạm thời rồi." - Thanh Hà gửi email chính thức "xin nghỉ" và về quê sớm trước 2-3 ngày cùng với gia đình.
"Ngay đêm đầu tiên về nhà, mình cuộn tròn nằm cạnh mẹ. Tự nhiên đêm đó mình ngủ ngon lạ kỳ, không bị đau bụng nữa mà rất dễ vào giấc. Sáng hôm sau mẹ đã mua thuốc, mua cháo cho mình. Mình nhớ nhất cảm giác lúc đó là: "Thế là hôm nay có đồ nóng để ăn, không cần đắn đo ăn gì, không cần mua ở cửa hàng tiện lợi nữa".
Để lại laptop ở thành phố, điện thoại không cầm lăm lăm trên tay. Hà dành những buổi chiều tờ mờ ở vùng ngoại ô đứng bếp cùng mẹ, tối xem thời sự cùng bố. Khuya hơn là nghe cải lương trước khi ngủ… Nói chung là không làm gì cả, ngoài làm con gái của bố mẹ.
"Bình thường nói chuyện với bạn bè, thì mỗi người đều có những thứ bất mãn riêng, nghe rồi ai cũng muốn đưa ra lời khuyên cho mình, hoặc cũng tranh thủ nói ra tiếng lòng của bạn. Mình thấy đôi khi tâm sự với họ như "bão hòa" cảm xúc mất rồi.
Bố mẹ mình thì khác. Bố mẹ mình đi rẫy nên họ chỉ nghe con gái của họ nói thôi, gật gù và động viên con chân cứng đá mềm. Mình nhận ra không điều gì "chữa lành" hơn sự tin tưởng của bố mẹ."
Nhà là trạm "tiếp lửa"
Sau dịp Tết âm lịch, Mỹ Uyên (SN 2000, làm việc tại TP.HCM, quê ở Đắk Lắk) trở về thành phố đi tìm kiếm công việc mới. Điều khó lường là với tấm bằng cử nhân và 2 năm kinh nghiệm làm việc, bạn vẫn liên tục phải đối mặt với những dòng email "Rất tiếc khi phải thông báo rằng hồ sơ của bạn chưa phù hợp."
Hơn 6 tháng, công cuộc tìm việc của Mỹ Uyên không có tiến triển. Hoài nghi với bản thân mình là một, e ngại với những lời thăm hỏi từ họ hàng thì áp lực gấp mười: "Lúc có lịch nghỉ lễ 2/9, mình buồn rười rượi. Lúc đó, mình không định về quê vì sợ gặp hàng xóm, gặp họ hàng dưới quê họ hỏi công việc mình sao rồi. Mình không muốn nói dối vì bố mẹ đã biết tình hình. Nhưng nói thật để rồi nhận lại ánh mắt sượng ơi là sượng hay mấy lời khoe khoang con cái của người khác, mình nẫu ruột lắm."
Mỹ Uyên không muốn tiếp tục nhìn thấy bố mẹ qua màn hình điện thoại nữa, nhưng chưa có gì trong tay, chưa có công việc mới, bạn sợ khi về quê, không chỉ mình mình buồn mà bố mẹ cũng lo lắng.
Đã sẵn sàng tâm lý cho một mùa lễ một mình ở nhà trọ, nhưng tin nhắn từ bố khiến Mỹ Uyên đổi ý.
"Bố nhắn "Con có định về không? Nhà nhớ con lắm." Tự nhiên mình khóc quá trời đất, tại bình thường gọi điện bố có nói vậy bao giờ đâu. Mình nhận ra cả mình và gia đình đều xứng đáng được gặp mặt nhau."
Nghĩ như vậy, Mỹ Uyên cuối cùng cũng về quê sau hơn nửa năm 1 mình ở thành phố. Bạn về trước lễ chính thức một tuần, được mẹ "thuê" tạm vài ngày làm nhân viên hái cà phê, hái tiêu không lương. Câu chuyện thất nghiệp thì vẫn vậy, nhưng được vận động chân tay hơn là ủ dột trong phòng trọ, Mỹ Uyên cảm thấy đầu óc mình thoải mái và thông suốt hơn.
"Ở nhà trọ một ngày mình cứ lướt mãi lướt mãi, apply không hồi kết. Ở đây mang laptop về lướt một tí thì mẹ nhờ làm cái này, hoặc đến giờ cơm… Chẳng biết nữa, nhưng phần nào mình thấy cái cảm giác tìm việc nó không "vô vọng" hay "không hồi kết" nữa ấy? Mình dàn đều năng lượng và thời gian cho những việc khác hơn là lo lắng quá nhiều khi tìm việc."
Chưa kể đến bố của Mỹ Uyên luôn tranh thủ thăm hỏi con một cách nhẹ nhàng, thủ thỉ và đưa ra gợi ý cho con. Gia đình Mỹ Uyên tinh tế khi biết những điều con ái ngại, và cũng không lấy câu chuyện công việc bàn luận trong bữa cơm. Uyên cảm thấy mình cuối cùng cũng được hít thở và tự tiến triển theo nhịp độ của riêng mình.
"Thực ra mình không có việc nên ngày nào cũng là ngày nghỉ thôi. Nhưng về với bố mẹ, mình mới thực sự cảm thấy mình được "nghỉ" về tinh thần." - Mỹ Uyên cho biết những ngày vừa rồi rất đặc biệt với bạn.