Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng muốn tử hình 'dì ghẻ' vụ bé V.A: Khoa học chỉ ra bản năng vốn có của con người

Tại sao tội ác với một đứa trẻ lại gây căm phẫn đến mức như vậy, thể hiện đặc biệt rõ ràng qua vụ "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ khiến bé V.A 8 tuổi tử vong.

Vụ án bé V.A 8 tuổi bị "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ, tử vong đến nay vẫn chưa thôi khiến dư luận nguôi phẫn nộ. Đỉnh điểm của sự phẫn nộ xã hội ấy, là rất nhiều người lên mạng thể hiện thái độ, mong muốn các cơ quan pháp luật rồi sẽ áp dụng bản án cao nhất (tử hình) với đối tượng này, thậm chí cả với người cha của bé V.A.

Trong cuộc sống thường ngày, những cảm xúc căm giận thường là tiêu cực, nhưng dường như trong vụ án này, cảm xúc đó của một bộ phận lớn cộng đồng được thể hiện đúng lúc, cần thiết, để cảnh báo và cảnh tỉnh.

Có một vấn đề khác đặt ra từ vụ việc này là: Liệu rằng khoa học đã từng nghiên cứu, thống kê hay kết luận gì về "bản năng bảo vệ trẻ em" của xã hội hay chưa, dựa theo cơ chế nào...

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một phần những câu hỏi đó.

Theo một khảo sát của ComRes cho BBC, cứ 9 trong số 10 người trưởng thành được hỏi tại nước Anh đều cho rằng tội ngược đãi trẻ em là "không thể tha thứ". Tỷ lệ này còn lớn hơn so với tội danh giết người và cưỡng hiếp.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng nêu rõ: "Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bị bạo hành, dù bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi đó như thế nào". Các quy định trong luật pháp nhiều nước trên thế giới cũng phản ánh rõ ràng rằng: Trẻ em cần được bảo vệ, bất kể hành vi chống lại quyền lợi của trẻ em luôn là tình tiết định tội hoặc tình tiết tăng nặng.

Cộng đồng muốn tử hình dì ghẻ vụ bé V.A: Khoa học chỉ ra bản năng vốn có của con người - Ảnh 2.

Dẫu vậy, tội ác với trẻ em vẫn xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Chúng diễn ra ở mọi quốc gia, ở cả những nơi đáng lẽ trẻ phải được bảo vệ nhiều nhất, đó là ngay tại nhà, trường học và cả trên không gian mạng. Trẻ có thể bị xâm phạm về thể xác, tinh thần hoặc tình dục. Trong nhiều trường hợp, trẻ phải chịu xâm hại từ chính những người mà chúng đặt niềm tin.

Mỗi khi có tin tức về một tội ác xảy ra với trẻ em, dư luận đều quan tâm đặc biệt. Hầu hết mọi người đều tỏ ra xót thương cho đứa trẻ và căm phẫn cực độ với kẻ thủ ác.

BẢN NĂNG VỐN CÓ CỦA CON NGƯỜI

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy ở cả con người và nhiều loài động vật khác đều có bản năng bảo vệ con cái. Hầu hết các bậc cha mẹ đều đặt con cái ở thứ tự ưu tiên hàng đầu. Chưa hết, ngay cả những người không liên quan gì đến trẻ cũng thường cảm thấy thôi thúc phải bảo vệ hoặc cảm thấy phẫn nộ khi nhận thấy đứa trẻ nào đó không có được sự an toàn đáng lý chúng phải có.

Cộng đồng muốn tử hình dì ghẻ vụ bé V.A: Khoa học chỉ ra bản năng vốn có của con người - Ảnh 3.

Bảo vệ con thơ là bản năng của cả con người lẫn động vật. Ảnh: ADDitude

Để hiểu bản năng này, chúng ta phải hiểu được 2 đặc điểm ở trẻ: Dễ tổn thươngNgây thơ. Trẻ em là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng do là đối tượng cần nhiều thời gian để hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Về phương diện ngây thơ, do tâm hồn là một "tờ giấy trắng", những lỗi lầm của trẻ đương nhiên xuất phát từ việc người lớn thiếu chỉ dạy, bảo ban chứ hoàn toàn không đến từ đứa trẻ.

Xét về tự nhiên, hai đặc điểm dễ tổn thương và ngây thơ nói trên được cho là ẩn trong vẻ ngoài dễ thương – đây là cơ chế tự vệ và sinh tồn duy nhất mà trẻ nhỏ có.

Theo nhà nghiên cứu tính cách, nhà động vật học người Áo, ông Konrad Lorenz, ngoại hình đáng yêu của đứa trẻ bao gồm phần đầu tương đối lớn hơn so với phần thân, má bầu bĩnh, mũi miệng nhỏ xinh và thân hình tròn trịa. Cũng theo ông Lorenz, chúng ta, một cách tự nhiên, sẽ khó để không bị những thứ có chung đặc điểm như vậy cuốn hút. Các đặc điểm đó cũng chính là "Lược đồ em bé" (tạm dịch từ thuật ngữ Baby schema).

Cộng đồng muốn tử hình dì ghẻ vụ bé V.A: Khoa học chỉ ra bản năng vốn có của con người - Ảnh 4.

Đứa trẻ càng mang nhiều đặc điểm dễ thương điển hình của "Lược đồ em bé", khả năng sống sót càng cao. Theo "Lược đồ em bé", mức độ dễ thương của em bé trong ảnh tăng dần từ trái qua phải. Ảnh: ResearchGate

Theo bà Eloise Stark, nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm thần học - Đại học Oxford (Anh): "Dễ thương" là đặc điểm để trẻ con thu hút sự chú ý của người lớn, kích thích não bộ và khiến người lớn muốn bồng bế và chăm sóc trẻ.

Reward System / Hệ thống trao thưởng

Khi ta làm một số việc mà mình thích (giả sử là ăn đồ ăn ngon, hoặc có người yêu), bộ não sẽ "trao thưởng" cho chúng ta cảm giác vui vẻ, phấn chấn.

Bất cứ khi nào hệ thống này được kích hoạt, bộ não chúng ta sẽ tự ghi nhận rằng có một điều gì đó quan trọng đang xảy ra, đáng để ghi nhớ và lặp lại.

Bà nói: "Sau khi nhìn thấy một con vật hoặc trẻ nhỏ, sẽ có một loạt phản ứng rất nhanh xảy ra ở vỏ não trước". Bà cũng cho biết thêm rằng đây là khu vực của não tham gia vào Reward System (tạm dịch là Hệ thống trao thưởng).

Ngoài ra, nghiên cứu của bà Katherine Stavropoulos, nhà nghiên cứu tâm lý học thần kinh tại Đại học California, còn phát hiện ra rằng không chỉ hệ thống trao thưởng, mà còn cả hệ thống cảm xúc ở não bộ cũng được kích hoạt khi người tham gia được cho xem ảnh của em bé.

Hoạt động não như vậy ở con người có lẽ là lý do xác đáng giải thích cho sự dâng trào cảm xúc và nỗi thôi thúc hành động khi có một sự việc đau lòng xảy ra với trẻ em, dù đứa bé có thể không liên quan đến mình.

CÔNG LÝ CHO NGƯỜI YẾU THẾ

Trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn Nam Cao từng viết: "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình".

Quan điểm "người mạnh bảo vệ kẻ yếu" được coi là một nhiệm vụ cao quý, là một văn hóa sống vị tha phổ biến ở nhiều xã hội khắp toàn cầu.

Cựu tổng thống Mỹ George Bush từng chia sẻ: "Bởi vì một xã hội được đánh giá qua cách xã hội đó đối xử với những người yếu thế và dễ bị tổn thương".

Trẻ em là đối tượng cực kỳ dễ bị tổn thương, vì ngoài vẻ "dễ thương", chúng không có sức mạnh gì để tự bảo vệ mình. Do vậy, tội phạm xâm phạm trẻ em để thỏa mãn bản thân thường được coi là "đê hèn". Khi một người hà hiếp kẻ yếu để đạt lợi ích cho bản thân, xã hội sẽ phản ứng mãnh liệt hơn. Câu nói Pick on someone your own size (tạm dịch: Giỏi thì đi mà bắt nạt ai cùng tầm ấy) cũng được ghi nhận các phiên bản tương tự ở nhiều quốc gia.

Cộng đồng muốn tử hình dì ghẻ vụ bé V.A: Khoa học chỉ ra bản năng vốn có của con người - Ảnh 6.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và cần sự bảo vệ. Ảnh: WallpaperUp

Nạn nhân càng yếu đuối, không có gì để tự vệ và vô phương chống đỡ thì kẻ thủ ác càng nặng tội. Nếu nạn nhân là một người đàn ông khỏe mạnh, tội ác có vẻ ít gợi nhiều vấn đề, nhưng nếu nạn nhân là phụ nữ, người lớn tuổi, người tàn tật hay trẻ em thì tội ác đó khó lòng bị bỏ qua.

Nhà sinh vật học tiến hóa người Anh, William Donald Hamilton, là người đưa ra giả thuyết về hành vi vị tha của con người, sau này gọi là Hamilton’s rule (tạm dịch là Quy tắc Hamilton). Quy tắc này cho rằng: Chọn lọc tự nhiên coi trọng tiếp nối nguồn gen, chứ không phải sinh sản thành công. Quy tắc này cũng cho rằng một cá nhân có thể truyền các tính trạng tốt của mình cho thế hệ tương lai thông qua cả di truyền trực tiếp (sinh con đẻ cái) cũng như gián tiếp - bằng cách giúp đỡ con cái của họ hàng gần (giả sử là cháu trai/cháu gái).

Việc bảo vệ một đứa trẻ, có lẽ là cơ chế tự nhiên của con người, cũng là để bảo vệ chính bản thân hay thế hệ con cái tương lai. Do vậy, một tội ác với trẻ em có thể sẽ kích động sự đồng cảm và khiến xã hội căm phẫn cực độ, đồng thời dấy lên một làn sóng của "số đông" đại diện cho chính nghĩa.

Có chuyện kể rằng trong các nhà tù ở Mỹ, tội phạm hiếp dâm trẻ em được xếp vào bậc "hạ đẳng" nhất; những kẻ mắc tội này được cho là sống không bằng chết, bị bạn tù ghê tởm và hành hạ.

"Bản năng" bảo vệ trẻ em thậm chí còn khiến xã hội không chấp nhận cả một số những nghiên cứu khoa học muốn đi "ngược dòng", bất kể người nghiên cứu là ai vào giải thích thế nào. Dưới đây là một ví dụ điển hình.

NGHIÊN CỨU GÂY PHẪN NỘ

Cuối năm 2021, ông Allyn Walker, Phó giáo sư 1 (tạm dịch từ Assistant Professor) chuyên ngành xã hội học và tư pháp hình sự tại trường Đại học Old Dominion (bang Virginia, Mỹ) đã hứng trọn cơn thịnh nộ của dư luận cả nước Mỹ khi đưa ra quan điểm gây tranh cãi - giải thích như thể bảo vệ cho những người có hứng thú tình dục với trẻ em, còn gọi là ấu dâm.

Cộng đồng muốn tử hình dì ghẻ vụ bé V.A: Khoa học chỉ ra bản năng vốn có của con người - Ảnh 7.

Phẫn nộ của dư luận trước quan điểm đạo đức của PGS.1 Allyn Walker. Ảnh: Daily Mail

Trong một cuộc phỏng vấn với Prostasia Foundation, một tổ chức bảo vệ trẻ em, ông Walker khẳng định rằng "không bao giờ là ổn khi ngược đãi một đứa trẻ", nhưng cho rằng những người có ham muốn tình dục với trẻ em không vi phạm đạo đức miễn là không có hành vi thỏa mãn ham muốn đó.

Ông Allyn Walker biện hộ rằng: "Quan điểm của tôi là đạo đức chẳng có liên quan gì đến việc bị người khác thu hút, vì không ai kiểm soát được ai mới là đối tượng họ bị thu hút cả".

Nói về mục tiêu nghiên cứu của mình, ông Allyn cho biết: "Tôi thực hiện nghiên cứu này với hy vọng có thể tìm hiểu về một nhóm người mà trước đây chưa được nghiên cứu, nhằm tìm ra các cách bảo vệ trẻ em". Ông cũng nhấn mạnh rằng vấn đề đúng hay sai nằm ở cách ta làm gì với việc bị thu hút đó.

Tuy nhiên, quan điểm của ông đã làm chấn động cả trường đại học. Những người biểu tình giương cao biểu ngữ "Ấu dâm không phải là tính dục" và hô vang: "Bảo vệ trẻ em". Thậm chí, có người còn vẽ graffiti lên tường yêu cầu sa thải ông Allyn.

Trước làn sóng phản đối dữ dội, nhà trường đã quyết định cho ông Allyn tạm nghỉ đến khi kết thúc hợp đồng vào tháng 5/2022 nhằm "bảo vệ sự an toàn của trường học và các giáo viên khác".

Ông Allyn Walker hiện phải chịu biệt danh "Giáo sư ấu dâm", bất chấp sự thực bản thân ông dù có là gì. Ông chỉ là một trong số những cá nhân vấp phải sự chỉ trích và sự trả thù mãnh liệt của dư luận khi đưa ra một ý kiến bất đồng với số đông.

Có thể thấy, tội ác đối với trẻ em là ranh giới không khoan nhượng: Bất kể người nào không cùng quan điểm tuyệt đối - trừng phạt kẻ thủ ác - đều bị đánh đồng là "kẻ tà đạo". Dù nguyên nhân trước hành vi nhất loạt căm phẫn trước tội ác đối với trẻ em là gì, mặt trái của sự đồng cảm đôi khi lại là phản ứng quá đà.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...