Cô gái Hậu Giang 22 năm nghiên cứu dầu gội: Bưng đồ, rửa chén lấy tiền mua dược liệu và giấc mơ đưa hương hoa bưởi, bồ kết, hà thủ ô ra thế giới
Bắt tay nghiên cứu từ năm 1999, chị Đặng Thị Kim Ngọc nhẩm tính tổng thời gian nghiên cứu sản phẩm dầu gội dược liệu N22 là 22 năm. Có 2 năm chị ngưng, bởi nỗi ám ảnh suýt làm đứa con 2 tuổi chết cháy. Năm ấy, gia đình nào có bếp điện hay bếp gas, chị mua được cái bếp dầu lò xô 16 tim. 2 giờ sáng, chị chêm dầu đun nốt mẻ dầu gội nấu dở, chẳng ngờ còn một tim chưa tắt. Ngọn lửa bùng lên và lan nhanh lên nóc và vách cửa ngôi nhà vốn lợp bằng lá dừa…
“22 năm, đó là thời gian tôi bỏ ra nghiên cứu sản phẩm”, chị Đặng Thị Kim Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Phúc Thành – tâm sự.
Người phụ nữ trước mặt chúng tôi mặc áo bà ba màu xanh, mang khăn rằn, tóc búi thấp. Trước đây, trong giai đoạn nghiên cứu, sản phẩm cần thử rồi điều chỉnh tỷ lệ nhiều lần, mái tóc dài quá eo yêu thích không phù hợp để gội và sấy hơn 10 lần/ngày, người con gái sông Hậu đã cắt luôn, để tóc tém.
“Người ta chỉ bỏ tiền mua dầu gội, chứ ai mua mấy thứ nước của ngoại bao giờ!”
Những năm 1980s, với người dân quê chị, một cục xà bông cũng là xa xỉ. Gia đình chị Ngọc dùng nước tro từ than củi hòa vào nước, đợi đến khi phần tro lắng xuống đáy thì gạn lấy phần nước trong để gội đầu.
“Muốn tóc thêm mượt mà, ngoại tôi dùng lá dâm bụt hoặc lá gòn vò nát hòa thêm vào. Có lần tôi hỏi ngoại 'sao không mang mấy cái nước này ra chợ bán', ngoại cười: 'Người ta chỉ bỏ tiền mua dầu gội, chứ ai lại mua mấy thứ nước của ngoại bao giờ'. Tôi đã thầm nghĩ lớn lên sẽ mang những thứ của ngoại đi bán khắp nơi”, chị Ngọc kể lại.
Niềm đam mê nghiên cứu dược liệu hun đúc từ thuở ấy.
Năm 1999, ở độ tuổi đôi mươi, chị Ngọc lên Cần Thơ, lần đầu tiên đi học xa nhà. Tiền mẹ cho dè xẻn lắm cũng chỉ đủ tiền cơm và phòng trọ. Muốn có thêm tiền mua hà thủ ô, bồ kết về nghiên cứu, chị đi bưng đồ ăn sáng và rửa chén cho các quán ven đường. Ngày nào có tiết học sáng thì chị đi lau chùi, quét dọn, rửa ly, chén ở các quán ăn buổi tối.
Lần đầu lãnh lương, chị Ngọc dành hết mua một chiếc bếp lò xô 16 tim (loại bếp nấu bằng dầu lửa như cách đốt đèn dầu nhiều tim) và một ít nguyên dược liệu.
“Tôi đạp xe hơn 50 cây số về nhà hái thêm một mớ cây lá ở vườn nhà, bắt đầu nghiên cứu”, chị nhớ lại. “Vài đứa bạn thân biết được, đứa bảo hâm, đứa thì bảo ‘Mày đang luyện tiên đơn hả?’”.
2 năm ngưng nghiên cứu vì ám ảnh làm con thơ suýt chết cháy
Chị cứ kết hợp dược liệu, nấu, gội thử, rồi lại đổ đi. Những hợp chất có dược liệu là hà thủ ô với hàm lượng sơ khai có lúc khiến tóc chị cứng như rễ tre, khi thì tóc rụng tơi tả. Có đêm, chị mơ thấy mình bị trọc đầu.
“22 năm, chị không thấy chán nản sao?”, tôi hỏi.
“Sống với đam mê thì không chán nản. Nhưng có một giai đoạn tôi phải ngưng nghiên cứu hơn 2 năm”, chị Ngọc kể.
Ngày ấy, đứa con đầu 2 tuổi rưỡi, chị vẫn miệt mài nấu dược liệu trên chiếc bếp lò xô. Khi chêm dầu đun nốt mẻ dầu gội nấu dở, chẳng ngờ còn một tim chưa tắt. Ngọn lửa bùng lên và lan nhanh lên mái nhà và vách cửa.
“Nhà tôi là nhà lá. Nhìn ngọn lửa đã lan tới cửa, tôi hiểu nếu chạy vào ẵm đứa nhỏ ra cũng muộn rồi. Tôi mới vớ cái mền trên cái võng, nhúng vô xô nước chụp lên cái nồi, rồi lấy con dao gần đó chặt ống nước. Cũng may ống nước đã lâu rồi, dễ gãy… Lúc đó là 2 giờ sáng”.
“Sản phẩm lúc đó còn chưa hình thành, chưa mang lại lợi ích kinh tế, mà mình lại có thể đánh đổi cả một đứa con? Đứa nhỏ rất xinh trai, có chiếc mũi dọc dừa giống mẹ. Nó bị bỏng hay tật sẽ do mình… Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh mỗi khi nhìn vô cái mền”, chị Ngọc nhớ lại.
Vẫn nung nấu giấc mơ kinh doanh được sản phẩm từ dược liệu quê nhà, sau 2 năm, chị lại quay lại con đường nghiên cứu. Năm 2023, sản phẩm dầu gội ra đời, chị lấy tên N22 để kỷ niệm 22 năm nghiên cứu của bản thân mình.
“Đất nước Việt Nam đâu đâu cũng là dược liệu, sao phải chi tiền mua dầu gội hóa chất?”
* 22 năm nghiên cứu, có cả tai nạn cháy ngoài ý muốn, đó có phải giai đoạn khó khăn nhất của chị?
Mình phục vụ cho đam mê thì không nghĩ đến khó khăn, còn khi nào khó quá thì sẽ đi làm những công việc nhỏ nhặt nhất từ bưng bê, tạp vụ, nấu ăn… bởi niềm đam mê ấy quá lớn.
Cái khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là thị trường thế nào. Với nỗi lo lạm phát, nhiều nhãn hàng cùng làm sản phẩm thị trường, mình phải làm thế nào để mọi người hiểu được sản phẩm, hiểu được tâm huyết, và tiếp nhận đứa con tinh thần của mình, thay đổi suy nghĩ trước nay. Đất nước Việt Nam mình, trên núi, dưới rừng đều có dược liệu, tại sao phải dùng hóa chất?
Việc dùng dầu gội tùy tiện mà không hiểu sẽ không có tác hại ngay tức thì, giống như ăn loại thức ăn có hóa chất thì không gây tác dụng liền. Mình sẽ khó cảm nhận ngay được. Nhiều người cứ khoái thơm. Hương hóa chất thơm mà rất rẻ, hương thiên nhiên đắt gấp 3 lần hóa chất đắt tiền. Hóa chất tại hương loại rẻ thì chỉ có 300.000 – 400.000 đồng/kí. Dược liệu thiên nhiên đắt gấp nhiều lần mức đó.
* Ngoài N22, công ty của chị còn những sản phẩm gì khác không? Đâu là những sản phẩm đã ra thị trường, mang lại dòng tiền để nuôi "đứa con tinh thần" chủ chốt này?
Chúng tôi có hà thủ ô, tinh dầu hoa bưởi, tinh nghệ, tinh bột gấc, tinh dưa leo, tinh cà chua... Ví như thay vì cắt lát quả dưa leo đắp mặt thì phải nằm, ngồi sẽ rớt, giờ chiết cái tinh thì chỉ cần phun lên, mỗi ngày có thể đắp 2 - 3 lần nếu thích.
Thực ra tôi đã nhiều lần thất bại khi người tiêu dùng chưa quan tâm đến sản phẩm thiên nhiên, các khoản thu không đủ duy trì doanh nghiệp. Tôi từng đăng ký kinh doanh năm 2009 nhưng đến năm 2011 phải tạm ngưng. Đến năm 2020, tôi bắt đầu khởi nghiệp lại khi nhận thấy nhu cầu thị trường với các sản phẩm này.
Năm tới, tôi sẽ đẩy sản phẩm N22 này phát triển mạnh.
Tự hào nhất là việc mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng. Làm thế nào cũng kiếm được ra tiền. Bán hóa chất còn kiếm được nhiều hơn, sản phẩm gội xong mềm và thơm nên dễ bán, lại rất lời. Nhưng số tiền đó có mang lại niềm vui hay niềm tự hào, khi người ta dùng sản phẩm của mình và có tác hại về sau? Việc mang lại lợi ích thuần kinh tế có mang lại niềm vui?
Mỗi người sẽ có tiêu chí kiếm tiền riêng. Với Ngọc, kiếm tiền là một điều gì đó rất vui nếu kiếm một cách chân chính. Khi bán được sản phẩm, tôi có một niềm vui ngầm trong đó.
* Hiện chị vẫn chưa đưa sản phẩm ra thị trường, chị kỳ vọng gì vào sản phẩm này?
Thời điểm này là phù hợp để N22 ra thị trường. Tôi đã thay đổi mẫu mã, chai cầm chắc tay, dung tích vừa phải. Một chai to quá giá thành tiếp cận lần đầu khó, chai nhỏ quá thì xài nhanh hết.
Bạn hỏi về kỳ vọng, nói thật, tôi “tham” lắm. Tôi tham lam ở thị trường toàn quốc, và tính đến lan ra một số quốc gia lân cận. Tôi muốn xây dựng thị trường một cách bền bỉ và có trách nhiệm, xây từ từ và bền vững chứ không phải kiểu bán hàng bất chấp, thu lời nhiều và không có trách nhiệm sau bán hàng.
* Xin cảm ơn chị!