Ăn thịt nướng kiểu "độc lạ", mẹ mắc ung thư phổi, con bị ung thư ruột
Thịt nướng thơm ngon, hấp dẫn là món ăn nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối đừng ăn theo cách này của 2 mẹ con dưới đây.
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) Xu Qiongyue mới đây trong chương trình "Focus 2.0" đã chia sẻ trường hợp nêu trên. Theo đó, một cô gái 20 tuổi bị ung thư đại trực tràng, còn mẹ cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi. Vì độ tuổi của cô gái còn quá trẻ nên các bác sĩ đều muốn hỏi rõ về bệnh sử để tìm được nguyên nhân. Lúc đầu, cô gái chỉ đơn giản nghĩ rằng: "Có lẽ là do di truyền. Tôi bị ung thư đường ruột và mẹ tôi bị ung thư biểu mô tuyến phổi".
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, thói quen ăn uống của họ được nghi ngờ là nguồn gốc của bệnh tật.
Hai mẹ con cô gái có một thói quen ăn uống chung là nướng thịt ba lần một tuần và sử dụng khung lốp xe ô tô bỏ đi tái chế làm thành vỉ nướng. Không những vậy, dù đồ ăn có bị cháy họ cũng sẽ ăn hết. Vì vậy, chuyên gia Xu Qiongyue nghi ngờ bệnh ung thư của hai mẹ con có liên quan đến việc ăn thịt nướng trong thời gian dài, đồng thời hít và ăn phải chất gây ung thư khi nướng thịt bằng rác thải tái chế kia.
Chuyên gia Xu Qiongyue cho rằng mùi lốp xe cháy có thể độc hại nên khí độc sẽ xuất hiện mỗi khi gia đình người phụ nữ tổ chức tiệc nướng, và các bữa tiệc nướng của gia đình người phụ nữ diễn ra rất thường xuyên. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân chính khiến mẹ con cô mắc bệnh ung thư.
Cô cũng nhắc nhở mọi người rằng nếu thức ăn bị cháy thì đừng ăn. Nếu bạn cảm thấy việc bỏ đi cả miếng thịt sẽ thật lãng phí thì ít nhất là hãy loại bỏ phần thịt bị cháy. Bên cạnh đó, việc nướng cháy thịt cũng sẽ sản sinh ra các chất ô nhiễm trong không khí, chúng không những có thể bám vào quần áo và tóc, mà còn lan truyền trong toàn bộ không khí khiến bạn hít phải và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Sở dĩ bạn ngửi thấy mùi thơm khi nướng thịt là do mỡ từ các nguyên liệu động vật có hàm lượng chất béo cao như thịt ba chỉ lợn, sườn bò, xúc xích, thịt xông khói… nhỏ giọt vào lửa than ở nhiệt độ cao và tan ra. Tuy nhiên, những mùi hương này có thể dễ dàng chứa các chất có hại gọi là hydrocarbon thơm đa vòng, dễ làm tăng nguy cơ ung thư nếu hít phải vào cơ thể. Chúng cũng có thể bám vào thức ăn, khiến con người vô tình tiêu thụ.
Zeng Yufang, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm y tế Chi Mei Đài Loan (Trung Quốc), gợi ý rằng mọi người có thể sử dụng 3 phương pháp sau khi nướng để giúp mỡ không nhỏ vào lửa than và sinh ra các chất có hại:
- Sử dụng đĩa nướng thay vì vỉ nướng (than) như truyền thống.
- Sử dụng bếp nướng điện thay vì bếp nướng than/lửa.
- Bọc thực phẩm bằng giấy bạc để tránh cho thực phẩm tiếp xúc/chảy mỡ xuống lửa than.
Nguồn và ảnh: TOPick, Aboluowang