Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM. Ảnh: Đỗ Minh

Dư địa chính sách tiền tệ còn ít hơn chính sách tài khoá

"Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022" - PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất cơ bản từ 4,25% lên 4,5%, mức cao nhất trong gần 15 năm, FED dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7. Xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn được duy trì, diễn biến lạm phát còn phức tạp.

Để thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, chính sách tài khoá mới là chìa khóa lúc này. Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: "Nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá để thúc đẩy tổng cầu. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Ngoài ra, có thể kích cầu thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế".

PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng: “Tiến độ giải ngân đầu tư công chưa thực sự cải thiện. Trong ngắn hạn, nếu phục hồi được các ông lớn FDI như Samsung hay có chính sách tài khoá phản chu kỳ phù hợp thì kinh tế mới có thể thoát khỏi khó khăn. Quan trọng nhất là đầu tư đúng chỗ, đúng điểm và với nguồn khả thi. Hãy đầu tư xung quanh khu vực TPHCM, biến nơi này thành trọng điểm kinh tế phát triển. Về nguồn vốn, hãy cho phép TPHCM giữ lại một phần ngân sách để chủ động đầu tư từ 21% lên 31%, với tỉ lệ bằng Hà Nội hiện nay. Hiện tại đang là cơ hội tốt để đầu tư điện, đường, trường, trạm, tài sản công, khu vực giao thông”.

Không thể mãi điều chỉnh gia hạn nợ

Theo quy luật thông thường, lợi nhuận ngân hàng sẽ suy giảm chậm hơn, có độ trễ so với cả các doanh nghiệp. PGS.TS Nguyễn Đức Trung phân tích việc cho phép kéo dài kỳ hạn nợ, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ giúp tín dụng không giảm đột ngột. Nguồn thu tín dụng không giảm mạnh. Thêm vào đó, ở Việt Nam các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số giúp nguồn thu từ dịch vụ thanh toán tăng mạnh.

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận ngân hàng sẽ không còn dễ dàng mãi. Việt Nam sẽ không thể mãi điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ. Trong khi đó, doanh nghiệp dường như chưa tìm được giải pháp tối ưu để thoát khỏi khó khăn. Cái thứ hai quan trọng hơn đấy là lãi suất phải phù hợp với cả rủi ro của doanh nghiệp vay vốn.

Chuyên gia này cho rằng, chính sách tiền tệ nên hướng đến 3 nội dung. Một là ổn định hệ thống ngân hàng. Hai là lãi suất phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn. Ba là Ngân hàng Nhà nước cần tiếp nối thành công ổn định tỉ giá của năm 2022. Ổn định tỉ giá hiện giờ là nền tảng cơ bản nhất tránh nhập khẩu lạm phát và để tạo ra nền tảng vĩ mô ổn định.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 thì tăng trưởng quý III đâu đó cần đạt là 7,4%, quý IV cần đạt là 10,3%. Nhiệm vụ này đầy thách thức, khó khăn. Chúng ta cần quen dần với khái niệm tăng trưởng thấp ổn định, phù hợp nhất với điều kiện thực tế. Trừ khi Việt Nam có đề xuất đột phá kiệt xuất để nền kinh tế quay lại tăng trưởng cao như trước đây” - PGS. TS Nguyễn Đức Trung nhận định.


Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/viet-nam-co-the-dang-cham-tre-trong-viec-dung-chinh-sach-tai-khoa-1216396.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết