Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phương án đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp tại Hà Nội

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng nguyên tắc đặt tên cho đơn vị hành chính mới theo thứ tự ưu tiên về tên gọi.

Phương án đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp tại Hà Nội

Hà Nội xác định các nguyên tắc chung khi đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Ảnh: Hải Nguyễn

Bộ Nội vụ cho biết, tính đến cuối tháng 6.2024, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hà Nội là một trong 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định.

Theo tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, TP Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp ĐVHC.

Căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và thực tiễn ở mỗi địa phương, các quận, huyện, thị xã xây dựng dự thảo theo phương án sắp xếp cụ thể gửi Sở Nội vụ Hà Nội rà soát, thẩm định, tham mưu, đề xuất phương án cụ thể để Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tiến hành làm việc, cho ý kiến thống nhất hay điều chỉnh dự thảo phương án để trình Ban Chỉ đạo Thành phố.

Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC của Thành phố Hà Nội đã được HĐND Thành phố thông qua, tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã; Phương án sắp xếp của Hà Nội sẽ giảm 61 xã, phường; có 3 địa phương (huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) xây dựng Đề án lên quận, thực hiện sắp xếp theo Đề án xây dựng huyện lên quận.

Một trong những nội dung được người dân rất quan tâm đó là đặt tên ĐVHC sau sắp xếp. Bởi việc đặt tên ĐVHC sau sắp xếp có liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào của cộng đồng dân cư nơi sắp xếp.

Liên quan tới nội dung này, Sở Nội vụ TP Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng Đề án, Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng nguyên tắc đặt tên cho ĐVHC mới theo thứ tự ưu tiên về tên gọi: Địa danh có yếu tố lịch sử văn hóa lâu đời; địa danh cũ; có chung đặc điểm về văn hóa; nếu không có các yếu tố trên thì ghép tên các ĐVHC cũ nhưng tên gọi mới phải đảm bảo các giá trị ngôn ngữ, có ý nghĩa và đặc điểm của địa bàn.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm đó là tên gọi mới của các ĐVHC cấp xã sau khi được sáp nhập. Đặt tên mới của ĐVHC cần phải hết sức thận trọng để tránh những phản ứng từ dư luận và tránh việc xóa sổ toàn bộ tên địa danh gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.

Từ lịch sử có thể thấy rằng, những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng, đơn vị cộng cư nhỏ và gần gũi nhất đối với mỗi người. Hay tên địa danh luôn gắn với những thông điệp nhất định nào đó.

“Yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc đặt tên mới, từ đó giúp chúng ta cẩn trọng và đưa ra những nguyên tắc nhất định trong việc đặt tên đối với ĐVHC mới" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết