Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện cải cách hành chính tại Thái Nguyên

Thực hiện các nhiệm vụ của chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, từ đầu năm đến nay, Đoàn kiểm tra của tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức kiểm tra cải cách hành chính, công vụ đột xuất tại 25 cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trong thời gian tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Qua kiểm tra cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vững tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, không bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Các nhiệm vụ chuyên môn được triển khai thông suốt, không xảy ra tình trạng gián đoạn hay chậm trễ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 32 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các sở, ngành với tổng số gần 600 thủ tục hành chính. Đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính đang có hiệu lực của tỉnh là hơn 1.800 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh hơn 1.400 thủ tục, cấp huyện trên 300 thủ tục và cấp xã là 126 thủ tục hành chính. Trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 272.000 hồ sơ, đã xử lý trên 253.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,43%...

Đặc biệt, đối với công tác cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, trong gần 5 tháng đầu năm, tỉnh Thái Nguyên đã tinh gọn theo hướng hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, tỉnh giảm được 6 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; tổ chức lại 13 cơ quan, tương ứng giảm 32%; giảm 41 đầu mối cấp phòng thuộc các sở, ngành, tương ứng giảm 17,6%.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Thái Nguyên đã sắp xếp, giảm từ 172 xã, phường, thị trấn xuống còn 55 xã, phường. Tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã đạt 68,02%. Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 252 trụ sở dôi dư, do vậy, tỉnh chủ trương ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương, thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh, khai thác, không để xảy ra thất thoát, lãng phí...

Trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Thái Nguyên đã hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu (theo Đề án 06) trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối liên thông đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, khai thác dữ liệu, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của tỉnh. Tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên cổng dịch vụ công Quốc gia là 338 dịch vụ công, đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 53%; tỷ lệ thủ tục hành chính có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 71,5%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 87,4%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 93,7%...

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh trong các tháng đầu năm 2025 đã được các đơn vị, địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn cao, có nhiều đơn vị không có hồ sơ quá hạn. Việc tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch, giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị và triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ đề ra, đảm bảo tinh gọn theo hướng hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Thời gian tới, công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên tập trung vào việc tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo đúng chỉ đạo, định hướng của Trung ương; thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng, đảm bảo tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp; quyết liệt triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; tăng cường tổ chức kiểm tra cải cách hành chính, kiểm tra công vụ theo kế hoạch tại các đơn vị, địa phương, trong đó tập trung kiểm tra đột xuất nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính./.

Hoàng Thảo Nguyên


Tác giả: Hoàng Thảo Nguyên
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...