Ngành Y tế Nghệ An khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe vùng cao
Sau ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 gây ra mưa lũ, ngập úng và chia cắt nhiều khu vực miền núi phía Tây, ngành Y tế Nghệ An đang nỗ lực cao độ để khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục hoạt động khám chữa bệnh, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho người dân vùng lũ.
Khẩn trương ứng phó – Chủ động bảo vệ sức khỏe nhân dân
Đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An do TS.BSCKII Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo công tác khắc phục tại các xã bị thiệt hại nặng như Con Cuông, Tương Dương. Đoàn đã thăm hỏi, động viên cán bộ y tế địa phương và trao quà hỗ trợ, chia sẻ với các trạm y tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ y tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ tại xã Con Cuông.
Theo báo cáo ban đầu, lũ lụt đã gây ngập úng, hư hỏng nặng cơ sở vật chất tại nhiều đơn vị y tế. Trung tâm Y tế Tương Dương bị ngập hoàn toàn tầng 1 khu điều trị, khu dự phòng bị cô lập.
Tại Kỳ Sơn, các trạm y tế xã như Mỹ Lý, Mường Típ, Mường Ải bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt, Trạm Y tế Mỹ Lý bị ngập sâu, nhiều tài sản và trang thiết bị y tế bị phá hủy. Các trạm y tế khác như Lưu Kiền, Thạch Giám (Tương Dương) và Châu Khê, Bồng Khê (Con Cuông) cũng bị ngập sâu, mất điện, mất liên lạc, hư hại thiết bị.
Kích hoạt toàn lực y tế vùng lũ – Không để người dân thiếu chăm sóc
Trước thực trạng cấp bách, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành công văn khẩn, chỉ đạo các trung tâm y tế, bệnh viện và trạm y tế xã kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp. Trong đó, đặc biệt chú trọng:
Phòng chống dịch bệnh: Giám sát chặt chẽ tại các vùng ngập sâu, điểm sơ tán, vùng bị cô lập; phát hiện sớm và xử lý triệt để các dịch bệnh thường phát sinh sau lũ như tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da, viêm hô hấp, bệnh đường tiêu hóa…
Vệ sinh môi trường – Nước sạch: Triển khai phương châm “nước rút đến đâu, làm sạch đến đó”, sử dụng vôi bột, hóa chất để khử trùng, thu gom và xử lý xác động vật, đảm bảo không để dịch bệnh phát sinh từ môi trường ô nhiễm.
Khám chữa bệnh không gián đoạn: Dù cơ sở vật chất bị thiệt hại, các đơn vị y tế tổ chức bố trí nhân lực, thuốc men, dựng điểm khám lưu động hoặc điều chuyển bệnh nhân đến cơ sở gần nhất đảm bảo khám, cấp cứu, điều trị liên tục.
Phát động quyên góp – Huy động cộng đồng chung tay hỗ trợ vùng lũ
Song song với công tác chuyên môn, ngành Y tế Nghệ An đang phát động chương trình quyên góp khẩn cấp hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng nặng, đặc biệt là tại các xã bị chia cắt như Nhôn Mai, Mường Xén, Hữu Kiệm… Các hình thức hỗ trợ gồm: thực phẩm, nước sạch, thuốc men, vật tư y tế, áo phao, đèn pin, dung dịch sát khuẩn…
Trạm y tế xã Châu Khê (Con Cuông) bị ngập sâu 1,2m. Sau khi nước rút chính quyền địa phương và các lực lượng tiến hành tổng dọn vệ sinh để triển khai công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
TS.BSCKII Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp và đoàn thể để tổ chức các đoàn y tế tình nguyện đến vùng lũ hỗ trợ khám chữa bệnh lưu động, cấp phát thuốc miễn phí và tư vấn chăm sóc sức khỏe sau lũ, đặc biệt là trẻ em, người già và người có bệnh nền.
Ngành Y tế cũng phối hợp với lực lượng công an, quân sự và chính quyền địa phương thực hiện cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh y tế tại các vùng bị ảnh hưởng. Các đoàn kiểm tra liên ngành được tổ chức để giám sát an toàn thực phẩm, khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm hư hỏng, ôi thiu, tăng cường tuyên truyền cách phòng chống ngộ độc, bệnh truyền nhiễm.
Nước vừa rút, cán bộ y tế nhanh chóng thực hiện vệ sinh môi trường.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An là đầu mối thường trực tiếp nhận, tổng hợp báo cáo từ các đơn vị tuyến dưới; sẵn sàng cấp phát hóa chất, vật tư và hỗ trợ chuyên môn khi có tình huống dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngành Y tế Nghệ An đang nỗ lực từng giờ để khôi phục hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm người dân vùng lũ được chăm sóc y tế kịp thời, an toàn. Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là hành động nhân văn, thể hiện trách nhiệm cao cả của những “chiến sĩ áo trắng” nơi tuyến đầu trong thiên tai, dịch bệnh.