Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một huyện ở Kon Tum còn 2 đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập

Sau sắp xếp, sáp nhập huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) chỉ có 2 đơn vị hành chính cấp xã gồm Ia Tơi và Ia Đal. Đây cũng là huyện đất liền có mật độ dân số và đơn vị hành chính thấp nhất cả nước.

Một xã rộng hơn 760 km2

Ia H'Drai là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Kon Tum, phía đông giáp tỉnh Gia Lai, tây giáp Campuchia, nam giáp tỉnh Gia Lai và Campuchia, bắc giáp huyện Sa Thầy (Kon Tum). Diện tích toàn huyện hơn 98.000ha, trong đó diện tích rừng và đất có rừng chiếm hơn 87%.

Huyện Ia H'Drai được thành lập vào năm 2015 với hơn 11.000 người. Đến nay, dân số toàn huyện có hơn 15.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Ia H'Drai là huyện đất liền có mật độ dân số thấp nhất nước, trung bình 16 người/km2. Sau sắp xếp, sáp nhập huyện này chỉ còn 2 đơn vị hành chính cấp xã gồm Ia Tơi và Ia Đal, trong đó xã rộng nhất là Ia Tơi có diện tích 762 km2, với dân số 7.200 người. Xã này hình thành trên cơ sở sáp nhập xã Ia Dom và xã Ia Tơi.

ẢNH 1

Huyện Ia H'Drai có mật độ dân số và đơn vị hành chính thấp nhất cả nước

Ông Trương Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: “Huyện Ia H'Drai được tách ra từ huyện Sa Thầy. Đây là huyện có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm. Hơn 10 năm trước, vùng đất này giao thông đi lại rất khó khăn, sóng điện thoại chập chờn nên không thu hút được người dân đến sinh sống.

Nhà nước và các công ty cao su đã có nhiều chính sách nhằm kêu gọi, hỗ trợ nhà cửa, đất đai, nhiều người mới di cư tới. Diện tích xã, huyện rộng và mật độ dân cư thấp nhất cả nước là do phần lớn đất đều được phủ xanh bởi cây cao su. Người dân đa số là công nhân cao su”.

Trải qua hơn 10 năm thành lập, vùng đất khó nay đã “thay da, đổi thịt”. Bà con có mức thu nhập ổn định từ nghề công nhân cao su và tận dụng trồng thêm cây nông nghiệp, xây dựng nhà cửa khang trang hơn.

z6572263017139_290a6f9db559d5c128e372ff2450d1fd.jpg

Ia Tơi là xã rộng nhất Kon Tum sau sáp nhập

Theo ông Hoàng, xã có tuyến Quốc lộ 14C đi qua và giáp với tỉnh Gia Lai, nước bạn Campuchia nên việc thông thương, trao đổi hàng hóa cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, xã có thuận lợi khi diện tích lòng hồ thủy điện lớn, giúp người dân phát triển thêm nghề nuôi trồng kết hợp du lịch.

Tận dụng mặt nước ổn định, nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào trong lòng hồ thủy điện Sê San, nhiều năm qua người dân nơi đây đã phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Những năm gần đây, bên cạnh việc nuôi và đánh bắt thủy sản nước ngọt, người dân làng chài Sê San đã phát triển đa dạng dịch vụ du lịch, thu hút nhiều du khách khắp cả nước đến tham quan.

Vùng đất khó vươn mình mạnh mẽ

Anh Nguyễn Thành Nhân (SN 1982, trú tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum): “Hiện gia đình mình chủ yếu làm dịch vụ đưa, đón tham quan trên lòng hồ Sê San, thác Mơ và phục vụ các món ẩm thực. Trung bình mỗi tháng gia đình đón khoảng 100 - 200 lượt khách, những đợt cao điểm lên đến 300 - 400 lượt khách tham quan. Để phục vụ du khách mình đã xây dựng nhiều nhà nổi, có thể tiếp đón tổng cộng 200 khách/lần. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình”.

ẢNH 2

Lòng hồ Sê San thuộc xã Ia Tơi đã tạo điều kiện giúp người dân phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản

Bên cạnh những đổi thay, huyện Ia H'Drai cũng luôn phải đối mặt với điều kiện khí hậu nắng nóng, thổ nhưỡng đất pha cát, sỏi đá. Mùa hè tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài khiến việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Trọng Quang - Chủ tịch UBND xã Ia Dom, sau khi thành lập, Ia Dom phải đối mặt với nhiều khó khăn về thiếu cơ sở vật chất, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chính là cao su nhưng diện tích kinh doanh chưa đáng kể. Mạng lưới trường lớp học, y tế cơ sở chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên việc giảng dạy, học tập và khám, chữa bệnh của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên vượt qua khó khăn, xã Ia Dom đã nỗ lực hoàn thành các tiêu chí phấn đấu là xã đầu tiên cán đích nông thôn mới vào năm 2021. Bộ mặt nông thôn được khởi sắc, đời sống kinh tế người dân được nâng lên, đường bê tông đến tận nhà dân.

z6572262956286_68c39712a12f6df73114607a2e5c5428.jpg

Những năm qua huyện Ia Hdrai đã huy động các nguồn lực để ưu tiên cho việc xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: “Ia H'Drai là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Kon Tum, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, dân cư không tập trung; cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn; phát triển kinh tế có mặt còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp tuy đã có bước phát triển, tuy nhiên còn chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng của vùng.

Những năm qua, chính quyền và người dân đã đồng lòng, đồng sức để từng bước khắc phục khó khăn và đã gặt hái được những thành tựu trên mọi mặt. Kinh tế phát triển ổn định, duy trì tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất năm 2024 đạt hơn 8.651 tỷ đồng, tăng 21 lần so với năm 2015. Huyện cũng huy động các nguồn lực để ưu tiên cho việc xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cùng với đó, huyện đã xây dựng đề án, bố trí sắp xếp dân cư trên địa bàn, kết hợp với các mô hình kinh tế nhằm đưa thu nhập của người dân ngày càng nâng lên”.

Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh Kon Tum còn 40 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có có 9 xã biên giới gồm các xã: Bờ Y, Sa Loong, Dục Nông, Đăk PLô, Đăk Long, Rờ Kơi, Mô Rai, Ia Tơi và Ia Đal. Ngoài Ia Tơi, xã Kon Plông (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) rộng thứ 2 tỉnh Kon Tum, với diện tích 556 km2, dân số hơn 9.300 người. Xã này hình thành trên cơ sở nhập đơn vị hành chính các xã Hiếu, Pờ Ê, Ngọk Tem.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...