Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội
Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội sẽ gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài khoảng hơn 616,9km và hiện đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km.
Nhằm cụ thể hoá mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng; UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô.
Hiện Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km đường sắt đô thị gồm tuyến số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông, dài 13km) và tuyến số 3 trên cao (đoạn Nhổn - Cầu Giấy, dài 8,5km) chiếm khoảng 4% trên tổng số 616,9km đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Để thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề xuất nhiều giải pháp gồm nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách.
Hoàn thiện các nghị quyết, quyết định quy định chi tiết việc quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).
Phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện việc thu tiền đối với các khoản thu trong khu vực TOD; quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố theo quy định của Luật Thủ đô.
Đồng thời xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Tập trung, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị.
Đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chuyên ngành cho đường sắt đô thị. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; tăng cường, đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Đặc biệt là công nghệ đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Hợp tác đào tạo, thu hút chuyên gia về đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi...Ưu tiên dành chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài về chuyên ngành đường sắt.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng đề xuất tuyển chọn tư vấn quốc tế có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án để thực hiện:
Lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga tích hợp chặt chẽ với quy hoạch khu vực TOD nhằm phát triển đô thị, tái thiết đô thị.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác giá trị gia tăng từ đất, bù đắp chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, bảo dưỡng. Xây dựng cơ sở dự liệu quy hoạch dùng chung trên nền tảng dữ liệu số GIS.
Ngoài ra lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng hồ sơ báo cáo để triển khai thi công, xây dựng nhanh; áp dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) và hệ thống quản trị dự án hiện đại, đồng bộ.
TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư tổng thể toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện.
Sớm hoàn thiện quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu đầu mối bảo đảm đồng bộ, có tính kết nối với mạng lưới quy hoạch đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội.