Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để Luật Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Luật Quy hoạch 2017 đã đạt được một số kết quả nhất định trong hơn 3 năm thực hiện, tuy nhiên trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch còn khó khăn, vướng mắc, bất cập. Đây cũng là nội dung sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ ba, nhằm gỡ khó cho công tác quy hoạch.

Theo chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, trong ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ hai hôm nay (30/5), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

3147-quoc-hoi

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại hội trường. (Ảnh: LINH KHOA)

Nhận diện những hạn chế

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội, quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này tại Kỳ họp thứ nhất.

Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017 tại Kỳ họp thứ tư, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.

Cụ thể, trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Với việc xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia như trên, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn 111 quy hoạch, gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh. Như vậy, số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%).

Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch, thay thế cho trên 3.600 quy hoạch trước đây, đã thiết lập 1 hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

"Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 là phát triển quốc gia như 1 thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia".

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

3417-bo-truong-nguyen-chi-dung
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch từng bước khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng và cả nước.

Đoàn Giám sát Quốc hội đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước thay đổi phương thức quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, từng bước bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc minh bạch, công khai.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, một số quy hoạch ngành quốc gia lần đầu được lập nên gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, như Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia…

Danh mục quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của Bộ, ngành, có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý, hay có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung lại trùng với nội dung quy hoạch cấp quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Ngoài ra, nguồn vốn cho công tác quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, do vậy, nhiều quy hoạch phải chờ kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua mới có cơ sở triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nhận thức về công tác quy hoạch của một số Bộ, ngành, địa phương còn có lúc chưa đúng tầm, còn có các cách hiểu khác nhau về một số nội dung của Luật Quy hoạch trong thời gian đầu thực thi.

Đầu tư cho công tác quy hoạch ở các cấp còn hạn chế; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý quy hoạch còn chưa được hoàn thiện; chưa lựa chọn, bố trí các đồng chí có năng lực, trình độ, chuyên môn chuyên nghiệp để tập trung làm công tác quy hoạch. Một số văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch được ban hành chậm; còn có nội dung chưa thống nhất.

Thêm vào đó, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn khó khăn hoặc không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Giải pháp cấp bách

Để Luật Quy hoạch thực sự đi vào cuộc sống, Đoàn Giám sát đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Trong đó, với các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Đoàn Giám sát kiến nghị cho phép lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch và rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đoàn Giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch.

"Thay đổi tư duy về quy hoạch thường là khâu khó khăn nhất ở tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm để phát triển được bền vững và dễ dàng thoát nhanh khỏi bẫy thu nhập trung bình. Một trong những việc cần làm lúc này là xác định rõ đối tượng nào cần quy hoạch và không cần quy hoạch trong cơ chế thị trường để loại bỏ sự lãng phí, chồng chéo và khoảng trống trong quy hoạch".

Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó cần ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc điều hành phát triển kinh tế xã-hội của đất nước; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt (quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch thủy lợi, đê điều...) trong thời gian sớm nhất.

Về giải pháp trong dài hạn, Đoàn Giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh này để đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh hằng năm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.

Báo Nhân dân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...