Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐBSCL có nguy cơ ngập úng hơn 53.000ha

Dự báo từ nay đến cuối năm triều cường ở mức cao, sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng khoảng 53.393ha tổng diện tích sản xuất tại những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển, đặc biệt là trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn. 

ĐBSCL có nguy cơ ngập úng hơn 53.000ha

Triều cường dâng cao trong rằm tháng 9 âm lịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Th.N

Nguy cơ ngập úng

Theo dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho thấy, chuẩn sai mưa dự báo trên khu vực hạ lưu sông Mê Kông trong tháng 11 hầu hết ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Chỉ một phần trên vùng Campuchia và Tây Nguyên của Việt Nam lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm với chuẩn sai dương phổ biến từ 0,5 - 1 mm/ngày, một số nơi trên 1mm/ngày.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đặc trưng thủy triều dự báo trong tháng 11, đỉnh triều cao nhất phổ biến đạt vào ngày 26 - 28.11, riêng Trạm Rạch Giá đạt đỉnh vào ngày 11.11, còn tại Trạm Gành Hào đỉnh triều cao nhất đạt 2,50m, đỉnh triều thấp nhất tại trạm Rạch Giá đạt 0,64m.

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long mực nước lớn nhất tháng 11 xuất hiện vào ngày 1.11 tại Tân Châu dao động ở mức 2,75 - 2,85m, thấp hơn báo động I là 0,65 - 0,75m. Còn tại Châu Đốc dao động ở mức 2,65 - 2,75m, thấp hơn báo động I là 0,25 - 0,35m. Đối với lũ nội đồng thì vùng thượng mực nước cao nhất tháng 11 dự báo phổ biến từ 1,20 - 3,40m.

Đối với vùng giữa, lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động II đến báo động III, và trên mức báo động III từ 1 - 10cm, thời gian đạt đỉnh phổ biến vào ngày triều cường từ 25 - 26.11. Còn vùng ven biển thì lũ kết hợp triều cường được nhận định ở mức báo động II đến báo động III và trên báo động III từ 1 - 20cm, thời gian đạt đỉnh phổ biến vào ngày triều cường 25 - 26.11.  

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đánh giá, đỉnh lũ khu vực đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 11 ở mức thấp nên về cơ bản các khu sản xuất nông nghiệp trên các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long thuộc vùng thượng không bị ảnh hưởng bởi lũ. Đối với vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL khi triều cường kết hợp với lũ đầu nguồn sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến các khu vực thấp trũng trên 2 vùng này.

Qua kết quả đánh giá tác động của lũ đến hệ thống ô bao bảo vệ sản xuất vùng giữa và vùng ven biển cho thấy, theo đánh giá sơ bộ có khoảng 289 ô bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích khoảng 53.393ha. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có huyện Châu Thành và huyện Lấp Vò bị ảnh hưởng 5 ô bao, tương ứng 477ha; còn tại TP.Cần Thơ có huyện Phong Điền, huyện Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn bị ảnh hưởng 68 ô, tương ứng với 8.197ha; tỉnh Vĩnh Long có huyện Bình Tân, huyện Long Hồ và thị xã Bình Minh bị ảnh hưởng 52 ô, tương ứng 12.943ha; tỉnh Hậu Giang có huyện Phụng Hiệp và TP.Ngã Bảy bị ảnh hưởng 149 ô, tương ứng 28.234ha,…

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, lũ chính vụ ở mức thấp, lũ tháng 11 được nhận định ở mức thấp, về cơ bản các khu vực ô bao sản xuất vụ Thu Đông và Đông Xuân trên vùng ĐBSCL đều không bị ảnh hưởng bởi lũ. Tuy nhiên dự báo, từ nay đến cuối năm triều cường ở mức cao, đặc biệt cao nhất là kỳ ngày triều cường 25 - 26.11 nên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển, đặc biệt là trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn.

Đề xuất giải pháp để ứng phó

Để phòng chống triều cường dâng cao, từ nay đến cuối mùa lũ và nguy cơ hạn hán xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm sau, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương xây dựng kế hoạch xuống giống sớm ở những khu vực lũ đã rút, nhằm tránh lấy nước tập trung vào thời kỳ căng thẳng.

Bên cạnh đó, các hệ thống thủy lợi khép kín như: Hệ thống thủy lợi vùng Tứ Giác Long Xuyên, Nam mang Thít, Gò Công, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Quản lộ - Phụng Hiệp, Bến Tre,… theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa và nguồn nước trên sông Mê Kông để vận hành các công trình nhằm tăng cường trữ nước trên hệ thống.

Ngoài ra, rà soát các vị trí đắp đập tạm, tu bổ các công trình thủy lợi nhằm tăng cường lấy và trữ nước ở các khu vực có nguy cơ bị hạn hán xăm nhập mặn trong mùa kiệt.

Đồng thời, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như: MRC, Trung tâm Dự báo Khí tưởng Thủy văn Trung ương, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, Dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam,… để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Đối với vùng ven biển, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đề nghị cần đề phòng triều cường dâng cao và các tháng cuối năm, gia cố hệ thống đê bao bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết