Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cử tri phải tự đi bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

Đối với trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri phải tự mình đi bỏ phiếu bãi nhiệm, không được nhờ người khác bỏ phiếu thay; khi bỏ phiếu bãi nhiệm phải xuất trình thẻ cử tri.

Cử tri phải tự đi bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

Cử tri phải tự mình đi bỏ phiếu, không được nhờ người khác bỏ thay. Ảnh: Quế Chi/LDO

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Dự thảo Nghị quyết quy định về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Theo dự thảo Nghị quyết, về nguyên tắc bỏ phiếu bãi nhiệm, mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cử tri phải tự mình đi bỏ phiếu bãi nhiệm, không được nhờ người khác bỏ phiếu thay, trừ trường hợp khác theo quy định; khi bỏ phiếu bãi nhiệm phải xuất trình thẻ cử tri.

Cử tri không thể tự viết được phiếu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bãi nhiệm của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. 

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật hoặc phải cách ly do yêu cầu công tác phòng chống dịch, bệnh mà không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ công tác bãi nhiệm mang hòm phiếu phụ và phiếu bãi nhiệm đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu và thực hiện việc bỏ phiếu bãi nhiệm. 

Khi cử tri viết phiếu bãi nhiệm, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ công tác bãi nhiệm. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bãi nhiệm khác. 

Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ công tác bãi nhiệm có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

Về bố trí địa điểm bỏ phiếu, nội quy khu vực bỏ phiếu và mẫu phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ công tác bãi nhiệm lựa chọn địa điểm bỏ phiếu cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bỏ phiếu.

Địa điểm bỏ phiếu phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm, bảo đảm an ninh, trật tự; bố trí lối vào cho cử tri bỏ phiếu và lối ra cho cử tri sau khi đã bỏ phiếu xong.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ về việc thông báo thời gian bỏ phiếu, nơi bỏ phiếu. Theo đó, trong thời hạn 5 ngày trước ngày bỏ phiếu, Tổ công tác bãi nhiệm phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bỏ phiếu, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.

Về thời gian bỏ phiếu bãi nhiệm, việc bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ công tác bãi nhiệm có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày.

Trước khi bỏ phiếu, Tổ công tác bãi nhiệm phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Trước khi mở hòm phiếu, Tổ công tác bãi nhiệm phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bãi nhiệm không sử dụng đến và mời hai cử tri không phải là người bị đề nghị bãi nhiệm chứng kiến việc kiểm phiếu.

Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được ủy nhiệm của người bị đề nghị bãi nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết