Bộ Y tế tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 - 31/5).
Tại lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”. Qua đó, WHO nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ lớp trẻ khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Bộ trưởng chia sẻ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc. Rất nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như: chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”; các giải thể thao như giải chạy online "Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc”...
Bộ Y tế hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống đã xuất hiện những loại hình thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và nhiều loại hình kết hợp những hình thức khác. Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá càng tăng, nhất là giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, gây nhiều tác hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng.
Trong lễ hưởng ứng, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ, vào Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, những người trẻ tuổi đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bảo vệ họ khỏi các chiến thuật tiếp thị thuốc lá và khỏi ngành công nghiệp thuốc lá.
Để làm được điều này, WHO tại Việt Nam đưa ra hai khuyến nghị cụ thể đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam là: tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới; tăng cường thực thi chống buôn lậu và kiểm soát tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, đại diện WHO nhấn mạnh, chỉ có lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm thuốc lá mới có thể bảo vệ hiệu quả những người trẻ tuổi của Việt Nam khỏi tác hại của chúng. Từ đó, WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và nhà lập pháp ban hành lệnh cấm hoàn toàn càng nhanh càng tốt đối với các sản phẩm này. Bà Angela Pratt cũng đề xuất tăng thuế thuốc lá.
Mộc Trà (T/H)