Bộ Công Thương gia hạn điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía
Bộ Công Thương quyết định gia hạn điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía đến ngày 21/7 nhằm đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đầy đủ thông tin.
Mới đây, Bộ Công Thương thông báo gia hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng. Thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21/7.
Trước đó, ngày 21 tháng 9 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía từ các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myamar.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, cân nhắc đầy đủ thông tin mà các bên liên quan đã cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, ngày 18 tháng 3 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía thêm 2 tháng. Vì vậy, thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21 tháng 5 năm 2022.
Kế đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến của các bên liên quan về các khía cạnh của vụ việc. Để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, đánh giá đầy đủ thông tin mà các bên liên quan cung cấp, căn cứ Điều 82 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, ngày 16 tháng 5 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 943/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía thêm 02 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 21 tháng 7 năm 2022.
Ngoài ra, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.
Sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021, số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đường nhập lậu và đường nhập khẩu chính ngạch với ưu thế giá rẻ tiếp tục làm chủ thị trường, chèn ép đường nội địa.
Cụ thể, trong quý I đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường từ các nước ASEAN tăng 209%, từ 187.251 tấn lên 391.468 tấn.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhận định đây hoàn toàn không phải từ năng lực cạnh tranh mà thực chất toàn bộ lượng đường nhập khẩu kể trên đều đang sử dụng hành lang ATIGA để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.
Cộng với đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam và đường sản xuất trong nước vụ ép 2021-2022 trong khi sức cầu kém trong giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung và đẩy giá đường thị trường xuống dưới mức giá thành.
VSSA cho rằng nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 5 và các tháng kế tiếp. Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường nhập khẩu và giá đường nội địa sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận.
Thu Uyên