Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỷ giá USD tăng cao, doanh nghiệp lữ hành gồng mình chịu lỗ

Tỷ giá USD tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa du khách Việt Nam ra nước ngoài phải chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

Thông tin với VTC News, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, cho biết những ngày gần đây công ty của ông đang phải liên tục tổ chức các cuộc họp để tìm cách chống chịu với khoản lỗ do tác động của việc tỷ giá USD tăng cao gây ra.

Theo ông Nghĩa, đối với những doanh nghiệp hoạt động thị trường outbout (đưa du khách Việt Nam ra nước ngoài) sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi tất cả giao dịch đều được thực hiện qua đồng tiền Dollar Mỹ (USD).

Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn tỷ giá USD thay đổi tăng, Vietfoot Travel đã phải chịu khoản lỗ lên tới gần 200 triệu đồng.

“Công ty tôi mới có hai đoàn khách với tổng hơn 40 người đi du lịch châu Âu. Với mỗi khách đã thanh toán và đặt cọc tiền Việt Nam theo tỷ giá trước đó, công ty lữ hành sẽ phải chịu khoản chênh hơn 4 triệu đồng gồm tiền vé máy bay và thay đổi trong tour trọn gói. Do đó, chỉ ít ngày mà công ty tôi lỗ hơn 170 triệu đồng”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết thêm, với đặc thù tổ chức du lịch với đối tác nước ngoài theo series (loạt) nên các doanh nghiệp lữ hành trong nước thường không thanh toán ngay 100% giá trị tour du lịch, thậm chí có thể để tới 4 đến 5 đoàn mới thanh toán một lần. Khi tỷ giá thay đổi, chương trình tour du lịch trọn gói bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phải thanh toán tiền nhiều hơn.

Tính riêng với từng du khách, nếu ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp sẽ gần như hòa vốn, còn đối với khách hàng ký hợp đồng qua đại lý, doanh nghiệp phải trả hoa hồng, chắc chắn chỉ còn lỗ, âm vốn.

“Với những đoàn khách đến thời điểm thực hiện tour theo giá cũ, doanh nghiệp chỉ biết ôm đầu chịu lỗ, không thể làm gì khác được. Không thể yêu cầu khách trả thêm tiền so với giá mình đã báo trước đó”, CEO Vietfoot Travel nhấn mạnh.

Cũng rơi vào hoàn cảnh đang loay hoay tìm cách thoát lỗ trong "cơn bão" tỷ giá USD, ông Trần Văn Xuân, Giám đốc công ty CP thương mại dịch vụ Travel life Việt Nam cho biết, thông thường doanh nghiệp lữ hành lên kế hoạch cho du khách đi nước ngoài sẽ mất hàng tháng trời.

Giá mời chào tour được quy đổi ra mệnh giá tiền Việt Nam nhưng thanh toán với đối tác nước ngoài đều phải thực hiện bằng USD. Đối với khách đã đặt cọc mua tour theo giá trước đó, bắt buộc không thể thay đổi, dù giá USD tăng cao như hiện nay.

“Doanh nghiệp làm giá từ thời điểm đó nhưng lại thực hiện tour tại thời điểm này. Bây giờ các hãng hàng không lữ hành rồi các đối tác nước ngoài đều yêu cầu thanh toán áp dụng của tỷ giá hiện tại đã tăng lên hơn 25.000 đồng/USD. Nghĩa là tour bị đội giá lên rất nhiều, nếu mà tour được bán trực tiếp với khách thì may ra hòa vốn, còn với khách mua qua đại lý hoặc các công ty khác gửi lại cho mình thì mình trích lại hoa hồng cho họ, còn lại số lãi ít ỏi phải bù vào phần tăng của tỷ giá thì thành lỗ”, ông Xuân phân tích.

Theo CEO Travel Life Việt Nam, thời điểm hiện tại, để có thể khắc phục lỗ, doanh nghiệp cực chẳng đã phải ngồi xuống nói chuyện với khách hàng để mong có thể được hỗ trợ tăng giá tour. Nếu khách thông cảm là tốt, còn nếu khách không đồng ý, doanh nghiệp phải chấp nhận chịu lỗ để giữ uy tín: “Lúc đầu tỷ giá USD chỉ tăng nhẹ, doanh nghiệp còn có thể chịu lãi thấp để thực hiện tour đã giao dịch với khách. Nhưng hiện tại, tỷ giá đã tăng mạnh, khách hàng mua tour bằng mệnh giá tiền Việt, họ không quan tâm đến việc giữa mình và nước ngoài làm việc với nhau như thế nào, đã niêm yết giá thì họ cứ thanh toán là đúng đối với khách hàng.

Bản thân doanh nghiệp lỗ thế này có thể trình bày với khách, nhưng để khách hiểu và chấp nhận bù thêm tiền hỗ trợ doanh nghiệp thì rất khó. Nên phần lớn các công ty du lịch âm thầm chịu đựng, chấp nhận lỗ”.

Ông Xuân cho biết, thời gian tới, công ty ông sẽ nghiên cứu nâng giá tour để bù vào phần tăng tỷ giá.

Còn ông Phạm Duy Nghĩa cho biết bản thân đã rút kinh nghiệm từ lần biến động tỷ giá này và đưa ra phương án an toàn cho doanh nghiệp về sau.

“Từ nay với mỗi hợp đồng bán tour với khách hàng, doanh nghiệp sẽ chào theo giá của USD, tuy nhiên các giao dịch thanh toán sẽ được thực hiện bằng mệnh giá quy đổi được niêm yết tại Ngân hàng nhà nước tại thời điểm thanh toán”, ông Nghĩa đưa ra giải pháp.

Trong khi đó, một doanh nghiệp lữ hành khác tại Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại các công ty lữ hành đang ráo riết mời chào khách mua các tour du lịch cho dịp nghỉ lễ Tết 2023. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi tất cả chương trình, giá bán tour để phù hợp với tỷ giá hiện tại, tránh tình trạng phải ôm đầu chịu lỗ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...