Từng tăng giá gấp 2 - 3 lần khi được nhiều người “săn lùng”, đất ven hồ hiện nay ra sao?
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, nhiều mảnh đất nền ven hồ tại một số khu vực vẫn tăng giá, bởi có tiềm năng lớn về kinh doanh nghỉ dưỡng. Song, người mua cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền mua loại đất này.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản chung đang duy trì nhịp độ trầm lắng, đặc biệt biệt là sản phẩm đất nền tại các tỉnh đang có dấu hiệu giảm giá từ 20 - 30% so với thời điểm đỉnh cơn sốt. Song, các bất động sản ven sông hồ trong thời gian qua có sự điều chỉnh nhẹ về giá, thậm chí có khu vực giá vẫn tăng. Nguyên nhân tăng giá đến từ tiềm năng khai thác nghỉ dưỡng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đất ven hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội), cuối năm 2020 đất có sổ đỏ giá chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/m2, đến tháng 3/2022 giá tăng vọt lên 18 - 21 triệu đồng/m2. Còn thời điểm hiện tại, giá giao dịch đã về mức 16 - 18 triệu đồng/m2.
Thậm chí, đất bám mặt hồ chưa có sổ đỏ hiện nay giá dao động từ 12- 13 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm giá từ 11 - 12 triệu đồng/m2. Đơn cử, một mảnh đất có diện tích gần 1.200m2, mặt 30m bám đường quanh hồ Đồng Đò đang được rao bán với mức giá 16 tỷ đồng, tương đương hơn 13 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, mảnh đất này mới có trong bản đồ quy hoạch đất ở, nếu mua bán sẽ công chứng lập vi bằng.
Cũng tại khu vực này, đất trên núi nhìn xuống hồ Đồng Đò cách đây 1 năm có giá khoảng 7 - 10 triệu đồng/m2, hiện mức giá đã điều chỉnh về mức 6 - 8 triệu đồng/m2.
Một số lô đất các khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) hồi đầu năm 2021 giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng/m2, đến đầu năm 2022, giá tăng vọt lên 4 - 6 triệu đồng/m2. Đến nay, giá đất tại các khu vực này đã tăng thêm khoảng 200.000 - 300.000 đồng/m2.
“Còn các khu vực gần hồ Anh Bé, Ban Tiện, Long Mỹ có giá rao bán tăng nhẹ do nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng như hồ Đồng Đò”, người môi giới nói.
Tại khu vực hồ Cố Đụng (Thạch Thất, Hà Nội), giá đất ven hồi năm 2019 là 1,5 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2021, giá đã tăng lên 5 - 6 triệu đồng/m2 và đến đầu năm 2022 là 8 - 9 triệu đồng/m2. Đến nay, giá đến ven hồ Cố Đụng gần như vẫn được giữ nguyên, thậm chí xuất hiện cả những lô đất có giá trên 10 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một mảnh đất có diện tích gần 830m2 trong đó có 125m2 là đất ở lâu dài còn lại là đất trồng cây lâu năm đang được rao bán với giá 12 triệu đồng/m2, tương đương gần 10 tỷ đồng.
Theo người bán cho biết, do các mảnh đất gần hồ có tiềm năng kinh doanh nghỉ dưỡng, tạo dòng tiền tốt nên gần như không có người bán. Trong khi nhiều nhà đầu tư hiện nay cũng tìm kiếm đất để xây dựng homestay kéo theo giá tăng cao.
“Năm ngoái mảnh đất này chỉ dao động khoảng 8 triệu đồng/m2, vì khi đó nhiều người rao bán. Tuy nhiên, hiện giờ gần như không có ai bán đất ở khu vực ven hồ này nên giá đã thay đổi”, người này nói thêm.
Tại Hòa Bình, đất ven hồ Đồng Chanh, hồ Đồng Sương, hồ Đập Đom, đầu năm 2022 có giá dao động từ 3 - 4 triệu đồng/m2, thì nay đã lên tới 4 - 5 triệu đồng/m2.
“Khu vực gần mặt hồ không có nhiều đất, nên những lô đất nằm tại đây thường có giá. Cùng đó là tiềm năng về kinh doanh nghỉ dưỡng khiến giá tiếp tục đẩy lên cao”, người này nói.
Theo quan điểm của người môi giới này, những khu vực ven sông thường có không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Bên cạnh đó, người Việt Nam quan niệm về vị trí nhà ở đẹp là "nhất cận thị, nhị cận giang", đặc biệt xem trọng vị trí ven sông, hồ. Vì vậy, những mảnh đất này thường được nhiều người tìm kiếm xây dựng kinh doanh nghỉ dưỡng hoặc làm căn nhà thứ hai.
Thực tế, hiện nay vì công việc bận rộn nên nhiều người sẽ lựa chọn các chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày vào dịp cuối tuần tại các khu vực xung quanh Hà Nội, chỉ mất khoảng 1 - 2 tiếng di chuyển bằng ô tô. Theo đó, các loại hình kinh doanh nghỉ dưỡng tại ven đô có tiềm năng kinh doanh lớn. Do vậy, các đất ven sông, hồ gần Hà Nội được giới đầu tư săn lùng. Bởi, giá cho thuê homestay tại các khu vực ven sông, hồ cũng cao hơn những nơi khác cùng đó là nhu cầu lớn nên việc kinh doanh sẽ thuận lợi.
Tuy nhiên, người mua cần hết sức thận trọng, bởi các đất ven sông, hồ chủ yếu là đất rừng, đất nông nghiệp, đất trồng cây,... Do đó, không thể xây dựng các công trình kiên cố. Cùng đó việc mua bán cũng chỉ bằng giấy viết tay, lập vi bằng. Đặc biệt người mua cần kiểm tra kỹ quy hoạch để tránh những rủi ro không đáng có.