Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường xuất khẩu phân bón tăng "phi mã" trong năm 2022

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đạt 149 nghìn tấn, tương đương 102 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 628 nghìn tấn phân bón các loại, tương đương 412 triệu USD, tăng 33% về lượng, tăng mạnh 175% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Giá phân bón xuất khẩu trong 4 tháng đạt 634 USD/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón tăng cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu phân bón 4 tháng bằng 75% kết quả xuất khẩu cả năm 2021. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng sở dĩ giá thành phân bón tăng cao (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) bởi nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực này tăng mạnh.

4218-xuatkhau

Ảnh minh họa

Đơn cử như để sản xuất phân DAP phải có lưu huỳnh và từ đầu năm đến nay giá nhập khẩu mặt hàng này tăng 85,6%; hay mặt hàng kali nhập khẩu để sản xuất phân NPK cũng tăng 82%, ngoài ra, chưa kể việc tăng giá nguyên liệu, chi phí logistics…

Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết 4 tháng đầu năm, phân bón Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Á. Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc, thị trường lớn thứ hai của Việt Nam tăng đột biến với 43 nghìn tấn, tương đương 34 triệu USD, tăng gần 3 lần về lượng và tăng 9 lần về kim ngạch.

Ngoài ra, xuất khẩu phân bón Campuchia, thị trường lớn nhất đạt 146 nghìn tấn, tương đương 80 triệu USD, giảm nhẹ 2% về lượng nhưng tăng 62% về kim ngạch và 65% về giá xuất khẩu.

Các thị trường lớn khác đều nằm ở Đông Nam Á như Malaysia 66 nghìn tấn, tương đương 28,5 triệu USD; Lào với 26 nghìn tấn, trị giá 14 triệu USD; Myanmar với 21,5 nghìn tấn, trị giá 15 triệu USD; Philippines đạt 21 nghìn tấn, trị giá 17 triệu USD.

Phân bón quan trọng như an ninh lương thực

Theo TS Phùng Hà, ở trong nước, đến thời điểm này giá phân bón đã tăng thêm từ 500 đến gần 1.000 đồng/kg. Theo nhiều dự báo, giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng khi chiến tranh Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, hiện 100% phân kali (MOP) ở Việt Nam hoàn toàn dựa vào nguồn hàng nhập khẩu.

"Thời gian tới, mặt hàng kali từ Nga và Belarus sẽ tạm thời không có mặt tại Việt Nam, thay vào đó sẽ là kali từ Canada và Israel, trong khi đó Nga và Belarus chiếm hơn 40% lượng kali nhập khẩu của Việt Nam. Dự báo, giá kali ở Việt Nam sẽ tăng trong những ngày qua do lo ngại nguồn cung kali bị thắt chặt trên thị trường thế giới" - ông Phùng Hà nhấn mạnh.

Ông Hà Văn Giang - nông dân tại xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, cho biết, để tìm cách giảm chi phí, trồng trọt có lãi, gia đình ông đã sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ.

"Nguồn phân hữu cơ được tận dụng từ các phụ phẩm chăn nuôi và trồng trọt của gia đình. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt như vỏ rau, củ, trái cây... cũng là những chất liệu được gia đình tôi ngâm, ủ, chế biến thành phân bón" - ông Hà Văn Giang chia sẻ.

TS Phùng Hà cũng cho rằng, giá các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn khi tiến hành sản xuất. Để ứng phó và thích nghi với vấn đề này, nhằm góp phần giảm giá phân bón.

"Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước"- TS Phùng Hà nhấn mạnh.

Bày tỏ qua báo chí, nhiều nông dân cùng chung ý kiến trên, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất phân bón ưu tiên trước hết cho nguồn cung trong nước, có dư thừa mới xuất khẩu, coi nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung phân bón là trách nhiệm để đảm bảo an ninh lương thực.

Minh Phương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...