Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo ngại xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sút

Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và sụt giảm do chính sách “Zero COVID” khiến thị trường hồ tiêu chùng xuống trong thời gian gần đây.

1057-tieu-yen

Lo ngại xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sút. (Ảnh minh họa)

Ngay từ cuối năm ngoái, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu Việt Nam khi 90% lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Việc tắc nghẽn ở các cửa khẩu, thắt chặt việc đi lại tại thị trường nội địa Trung Quốc khi phát hiện ca dương tính sẽ làm cho việc tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc giảm xuống.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh 71,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.187 tấn và chiếm 5% tỷ trọng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Trong Quốc hiện đã tụt xuống vị trí thứ 6 về thị trường tiêu thụ hồ tiêu của Việt Nam từ vị trí thứ 2 của năm ngoái. Năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm mạnh 31,7%, chỉ đạt 38.259 tấn.

Trong giai đoạn từ 2018 – 2021, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tương đối lớn, chiếm từ 15 - 20% trong tổng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Do đó, những biến động từ thị trường Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hồ tiêu Việt Nam.

Về nguồn cung, hiện Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của vụ thu hoạch, theo kết quả cuộc khảo sát của VPA, sản lượng hồ tiêu của cả nước trong năm nay có thể giảm 10%. Tuy nhiên, tồn kho còn nhiều, một số đại lý cho biết hiện vẫn còn mua được tiêu cũ từ đầu năm nay.

Theo số liệu của cơ quan Hải quan Trung Quốc, lượng hồ tiêu nhập khẩu vào nước này trong 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 630 tấn, giảm mạnh 78,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Trong khi Chính phủ ở hầu hết quốc gia khác bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại và từ bỏ các chính sách phòng chống COVID-19 thì Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách “Zero COVID”.

Mới đây, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố của nước này do số ca mắc COVID-19 tăng cao. Nhiều nhà máy đã phải cắt giảm sản xuất do các lệnh phong tỏa.

Lĩnh vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ đóng cửa vì những hạn chế mới. Điều này được cho là có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc trong thời gian tới.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, trong đó có hồ tiêu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc dù đã có sự cải thiện so với trước đó nhưng năng lực thông quan còn thấp do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tại Lạng Sơn, tính đến ngày 30/3, hoạt động thông quan xuất khẩu chủ yếu diễn ra tại cửa khẩu phụ Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng, còn tại cửa khẩu Chi Ma vẫn tạm dừng thông quan trong khi cửa khẩu Hữu Nghị cũng tương tự.

2 tháng đầu năm nay, lượng hồ tiêu mà Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia đều giảm mạnh lần lượt là 40,9% và 98,7% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 235 tấn và 28 tấn.

Trong khi đó, Brazil bất ngờ vượt qua Việt Nam và Indonesia để vươn lên vị trí số một về xuất khẩu hồ tiêu vào Trung Quốc với khối lượng đạt 339 tấn, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá tiêu của Brazil xuất khẩu vào Trung Quốc đang khá cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác khi đạt bình quân 3.683 USD/tấn trong 2 tháng, thấp hơn so với mức 4.923 USD/tấn của Việt Nam và 4.393 USD/tấn của Indonesia.

Số liệu mà Hải quan Trung Quốc công bố thấp hơn so với số liệu mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thống kê bởi lượng hồ tiêu Việt Nam xuất sang Trung Quốc bằng đường biên mậu, nên thường không được ngành Hải Quan báo cáo, theo dõi.

Thu Thủy

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...